top of page
Writer's pictureiamhere

BÌNH THƯỜNG MỚI

Updated: Nov 1, 2021

Tối qua xem Pose mùa thứ 3 trên Netflix, mình đã rất xúc động khi các nhân vật trong phim đứng lên đấu tranh để những người da màu có AIDS/HIV sẽ được đưa vào quá trình điều trị thử nghiệm loại thuốc mới vào năm 1994. Sau đó là những cuộc biểu tình lớn yêu cầu các cơ quan chức năng phải đối xử công bằng với người da màu trong việc hỗ trợ ý tế và điều trị. Và tất nhiên họ đã giành chiến thắng. Những lời kêu gọi, những sự ra đi, những giọt nước mắt, những nỗi đau biến thành động lực để những điều không thể thành có thể và từ có thể trở nên hiển nhiên, trở thành điều bình thường mới.


Chợt nghĩ đến những gì đã trải quan trong gần bốn tháng qua và ngày mai Sài Gòn chính thức bước vào giai đoạn “bình thường mới”. Hẳn nhiên sẽ vẫn còn những bất cập, những lúng túng nhất định, những thiếu sót trong quá trình triển khai, nhưng ít ra đây là điều mà tất cả những người con Sài Gòn mong mỏi hằng đêm - Được Sống. Như giọng nói của Pray Tell phát lên trong phần intro của mỗi tập phim Pose từ mùa 1 đến mùa 3 - “The Category is LIVE!”, tạm dịch “Hạng mục trình diễn cho đêm nay là - SỐNG!”.


Chưa bao giờ mỗi người dân Sài Gòn nói riêng và người dân ở những vùng dịch khác nói chung cảm nhận rõ ràng ý nghĩa của chữ “SỐNG”.

  • Sống là tồn tại, là vượt qua được những khoảnh khắc lo sợ khi trở thành F0.

  • Sống là người ở lại, nhìn thấy những người yêu thương chợt hoá vào hư không trong khoảnh khắc.

  • Sống là tự do được đi lại, tự do làm điều mình muốn, tự do gặp người mình thích, những thứ mà trong cuộc sống đời thường trước đây là điều hiển nhiên không cần phải bàn cãi.

  • Sống là được đối đãi công bằng.

  • Sống là khi những tiếng nói yếu ớt và có khi đi cùng sự giận dữ được lắng nghe, soi xét.

Thành ra, chữ “SỐNG” trong một cuộc sống “bình thường mới” có thể sẽ ý nghĩa hơn nhiều so với ý ban đầu của nó. Sẽ có những bỡ ngỡ, sẽ có những chông chênh, những mông lung và cả những nỗi buồn, có khi thoáng qua, có khi chiếm trọn một buổi trong ngày, cũng có thể là vài ngày không rời bước. Bộ não và cảm xúc của con người có lẽ là những thứ phức tạp nhất trên đời, thế nên y học và khoa học bây giờ vẫn miệt mài nghiên cứu. Dùng lý trí để phân tích thế này thế kia hẳn nhiên là điều cần thiết trong các vấn đề thường nhật nhưng lý trí (nói cách khác là nhận thức của con người dựa vào kiến thức) nhiều khi đâu có chiến thắng được cảm xúc, lại càng không đo được lòng người. Đó là điều mà bản thân mình đã nhìn thấy rõ nhất trong gần 4 tháng qua.


Cuộc sống “bình thường mới” sẽ là một hành trình mà bản thân mỗi người phải đối diện với những vụn vỡ, những vết nứt hay những khiếm khuyết bên trong, bên cạnh việc biết ơn cuộc đời vì mình vẫn còn được sống, giữ trong mình sự hy vọng và nỗ lực để bù đắp lại những tổn thất từ vật chất đến tinh thần. Đó chắc chắn là một điều không hề dễ dàng. Mất mát càng lớn, cuộc đấu tranh bên trong càng dữ dội. Vậy nên, có khi gặp lại những người thân quen trong điều kiện “bình thường mới”, có thể chúng ta sẽ thấy có chút gì đó “là lạ”. Cái “là lạ” đến từ những cơn sóng âm ỉ bên trong - vẫn chưa biết cách phải giải quyết nó thế nào, nay phải gồng mình để phấn đấu. Hoặc cái “là lạ” đó đến từ việc gián đoạn kết nối vì lý do khách quan và chủ quan. Những khi như thế,


nếu sự chia sẻ có vẻ không phải là một cách hiệu quả thì hãy cho nhau không gian riêng mỗi người tự làm việc với bản thân mình. Đây cũng có thể là một điều “bình thường mới” trong một mối quan hệ.

Người ta sẽ trân trọng nhau hơn hoặc đủ bình tâm để cho nhau những lối đi riêng, những ngã rẽ mới.


Cách đây khoảng 2 tháng, một người bạn đã đặt cho mình câu hỏi “Dự đoán xem cuộc sống sau đại dịch sẽ có những sự thay đổi nào?”. Đây quả là một câu hỏi hay và khi nghĩ về câu trả lời, mình cũng phần nào nhìn thấy hành trình cho bản thân mình với vài điều cần lưu tâm.


Bây giờ thì câu hỏi đó có thể được điều chỉnh lại cho phù hợp hơn với bối cảnh hiện giờ:


“Bạn, trong cuộc sống bình thường mới, sẽ SỐNG như thế nào?”


Việc tìm kiếm câu trả lời có thể là một bài tập thú vị cho mỗi người. Một bài tập không dễ nhưng cần thiết để giữ đôi chân chạm đất sau những tháng ngày loay hoay với những ngổn ngang bên ngoài và xáo động bên trong.

Sài Gòn một buổi chiều hoàng hôn thật đẹp.






105 views0 comments

Related Posts

See All

Comments


bottom of page