top of page
Writer's pictureiamhere

BÌNH TĨNH SỐNG BẰNG CÁCH NÀO?

Khoảng 4-5 ngày trước, cỡ 10h đêm mình đi bộ xuống cửa hàng tiện lợi ngay trong khu chung cư để mua đồ ăn. Đường xá vắng vẻ lạ thường vì tất cả các cửa hàng bình thường vẫn còn sáng đèn vào giờ này thì đã đóng cửa từ nhiều ngày trước. Rồi mình chợt nghĩ đến những nhân viên phục vụ, những người công nhân, người lao động chân tay vào thời điểm này đây, họ sống bằng cách gì? Điều này sẽ kéo dài bao lâu nữa? Bản thân mình là người vẫn có thu nhập vừa đủ vào thời điểm này mà cũng nhiều lúc phải lo lắng, suy nghĩ sắp tới sẽ thế nào. Huống chi là họ, những người tính chuyện cơm áo gạo tiền theo ngày, theo tuần. Chưa kể trên vai họ có thể phải gánh vác thêm trách nhiệm với nhiều người khác. Ai khổ rồi mới hiểu, cái nghèo nó dai dẳng thế nào.


Sài Gòn một đêm mưa vắng lặng

Nhà nước và cả những người có điều kiện hơn cũng đã, đang và sẽ có những hành động chia sẻ, giúp đỡ nhanh chóng. Nhưng vì cơ bản là nước nghèo, nên cái lo đó cũng chỉ được trong khả năng nhất định. Mà người ta nhận hôm nay, cũng không thể không lo cho ngày mai, ngày mốt, tuần tới, tháng sau thế nào. Cái lo nó đến từ thực tế trước mắt, tính theo ngày, tính theo số nợ họ đang mang, theo số người họ đang phải chăm sóc, chứ không phải giống như người có điều kiện hơn - làm việc tại nhà, có Tivi, có Netlix, có thời gian tập thể dục, chăm sóc sức khoẻ tinh thần, giá cả mọi thứ có tăng lên thì cũng nằm trong khả năng mua được.

Thành ra,

Người có điều kiện sẽ dễ sống bình tĩnh hơn người khó khăn.
Người không phải lo toang, chăm sóc cơm áo gạo tiền cho ai cả dễ sống bình tĩnh hơn người nặng gánh gia đình.
Người làm nhân viên văn phòng được trả lương đủ dễ sống bình tĩnh hơn người chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hôm qua, thằng bạn làm bác sĩ của mình nó bảo hệ thống y tế quá tải trong mọi mặt rồi, giờ mà bản thân hay người thân mà bị thì coi như hên xui vậy. Hên thì nằm trong nhóm không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, xui thì nằm trong nhóm phải vào viện để điều trị, mà bệnh viện thì giờ thiếu thốn đủ thứ. Cũng không ai dám chắc mình có nằm trong số 20% kia không, rồi nói chẳng may rơi vào số đó thì có bình tĩnh nổi không? Cách bình tĩnh duy nhất lúc đó chắc có lẽ là lời tự trấn an mình “Trời kêu ai nấy dạ!”. Vì đội ngũ nhân viên y tế người ta đã làm ngày làm đêm rồi, cũng không thể trách móc được họ. Người giàu, người có mối quan hệ thì chắc sẽ yên tâm hơn vì tiền và mối quan hệ có thể giải quyết được nhiều thứ, còn dân thường tay không vào trận chiến thì nằm xuống cũng là chuyện bình thường.

Thành ra, người có thể sống bình tĩnh thì hẳn nhiên cũng phần nào biết được mình có gì trong tay, những thứ giúp mình có được lợi thế hơn người khác vào những thời điểm quan trọng.

Cái chuyện này thật ra nước nào cũng sẽ như vậy vì nó là bản tính của con người rồi, nhưng trong cái nghèo đi cùng với cái khó thì bản chất đó được thể hiện ra nhiều hơn, đơn giản vậy thôi.

Hôm qua, có đứa em inbox hỏi mình “Duy có tin gì mới không?” vì hai anh em hay chia sẻ thông tin với nhau. Mình bảo là không có vì sau một thời gian quan sát thì mình thấy rằng tất cả những thông tin đưa ra từ chính thống đến không chính thống, với những người không có lựa chọn nào khác như mình và rất nhiều người thì cũng chỉ mang tính tham khảo, vì cuối cùng thì cũng chỉ ngồi nhà, làm công ăn lương rồi mong cho mọi chuyện sớm ổn lại. Những thông tin chính thống và cả không chính thống đó cho người ta một cái nhìn đa chiều về sự vật, sự việc từ đó góp phần cho việc “sống bình tĩnh” của mọi người dựa vào cái “nền” mà mỗi người có. Khái niệm “chính thống” cũng cần được hiểu là những thông tin chính thức được công bố rộng rãi với một chiến lược truyền thông được đề ra. Điều này là cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, vì là “chính thống” nên chúng ta chỉ có thể biết được những gì chúng ta nên biết, phần không nên biết và không cần biết thì sẽ nằm ở đâu? Đó cũng là một câu hỏi quan trọng. Việc sàng lọc những nguồn thông tin không chính thống phụ thuộc vào khả năng của mỗi người, nhưng không vì thế mà cho rằng nguồn thông tin không chính thống là không có vai trò của nó. Sống bình tĩnh khác với sống lạc quan. Người sống lạc quan có thể tự loại bỏ những yếu tố tiêu cực để nhìn ra những điều tốt đẹp ở phía trước, tuy nhiên, khả năng loại bỏ yếu tố tiêu cực nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố - học vấn, hoàn cảnh gia đình, địa vị xã hội, tài chính, các mối quan hệ. Sống bình tĩnh (như phần lớn mọi người đang nghĩ) thật ra trong tình huống này cũng sẽ giống như sống lạc quan, rằng “Mọi chuyện rồi sẽ ổn, mọi thứ đang trong tầm kiểm soát, không ai bị bỏ lại”. Tuy nhiên, quan điểm riêng của mình, sức mạnh và cái hay của sống bình tĩnh là nhìn thấy được sự thật và chấp nhận nó. Bình tĩnh đối mặt với khó khăn, bình tĩnh đối mặt với tình huống xấu nhất xảy ra với mình, bình tĩnh chấp nhận mình sẽ phải là người chịu thiệt thòi, bình tĩnh trong việc mình sẽ xếp hàng cuối. Cái bình tĩnh nó được thể hiện qua phản ứng và thái độ của mỗi người khi đối diện với những điều không hay xảy ra trực tiếp với mình trong một thời điểm hay một giai đoạn nào đó. Sự bình tĩnh khó có được từ việc ngồi đọc tin tức xong tự mình cảm thấy yên tâm. Điều này có thể xảy ra với những người ở vị thế cao hơn hoặc yên vị tại nhà, nơi có điều hoà, máy lạnh, tủ lạnh cơ bản đủ đầy, thiếu vài thứ không sao.

Bình tĩnh là khi chấp nhận rằng doanh nghiệp, việc kinh doanh của mình có thể bắt đầu từ con số 0 sau nhiều năm nữa, đừng mong chờ vào điều kỳ diệu nào từ nguồn lực bên ngoài.


Bình tĩnh khi chấp nhận rằng nghe nói nhiều người nhận được tiền hỗ trợ, nhưng sao mãi chưa thấy đến mình, nếu không có tiền đó thì mình sẽ phải sống tiếp thế nào?


Bình tĩnh khi chấp nhận rằng mình sẽ nằm trong danh sách ít ưu tiên nhất để chích vaccine vì có những người khác xứng đáng được ưu tiên hơn.

Bình tĩnh khi chấp nhận rằng nếu chẳng may mình là F0 thì phải đối mặt với những hỗn loạn cảm xúc bên trong thế nào khi tận mắt chứng kiến sự quá tải của hệ thống y tế.


Và nhiều cái cần bình tĩnh tương tự như thế.


Có những thứ khi đọc mình thấy lạc quan, nhưng khi thực tế bản thân rơi vào tình huống đó thì khó mà bình tĩnh được. Và nếu họ không bình tĩnh thì cũng nên hiểu vì sao lại như thế.

Những trang viết chỉ thể hiện được vài lát cắt của cuộc đời, chứ cuộc đời đâu có giống y chang những trang viết.

Hôm qua mình đọc được một bài viết tâm sự của nhỏ bạn về việc nó cố gắng duy trì lớp học thế nào trong mùa dịch - cái mà nó rất tâm huyết, dồn cả tâm sức và tiền bạc vào đó. Mình đọc và cảm nhận được rằng nó đã rất buồn khi viết ra những dòng tâm sự đó, nó đã cố gắng rất bình tĩnh trong những ngày qua. Bình tĩnh trong cả việc chấp nhận rằng, nếu tình huống kéo dài, nó có thể sẽ phải bắt đầu lại từ đầu, sau nhiều năm nữa. Mình cũng không muốn động viên nó kiểu “mọi chuyện rồi sẽ ổn”, vì thật ra mình cũng chẳng biết mọi chuyện khi nào sẽ ổn, và bản thân mình sắp tới có ổn không.


Tác phẩm “Đại Ngư” của Giangdraw

Tác giả có chia sẻ rằng “”mình gọi đây là tích cực vì mình tự biết mình đang có rất nhiều tiêu cực.


Nhưng thôi cứ mị nhau rằng còn người, còn sức là còn làm được.


Sống trước đã, bình tĩnh tính sau.



  • Credit:

  1. Bài viết của Duy Tran: https://www.facebook.com/jonathannguyen149

  2. Tác phẩm Đại Ngư của Giangdraw: https://www.facebook.com/dennisgiang


129 views0 comments

Related Posts

See All

Comments


bottom of page