Hôm nay tôi đã cùng một anh bạn đi xem phim “Võ Sinh Đại Chiến”. Trước là ủng hộ người bạn của mình với vai trò biên kịch, sau là vì muốn xem một bộ phim Việt với một đề tài không mới với thế giới nhưng rất mới với chúng ta - võ thuật học đường. Bản thân tôi luôn ủng hộ điện ảnh quê nhà, đặc biệt là những phim nằm ngoài vấn đề yêu đương, hài hước, kinh dị - vốn là những chủ đề quen thuộc và dễ ăn khách.
Tôi đi xem với một tâm thế thoải mái nhất và cảm xúc của tôi khi bước ra khỏi rạp thì thật là khoan khoái. Cảm xúc đó không chỉ đến từ dàn diễn viên tươi mới, sáng khung hình mà còn từ những màn luyện tập, đấu võ đẹp mắt giúp tôi có chút niềm tin rằng xứ mình hoàn toàn có thể làm ra một bộ phim võ thuật ra hồn có nội dung. Thậm chí tôi và anh bạn còn nghĩ đến chuyện phim này sẽ có một sequel. Nếu đúng như thế thì tôi sẽ vẫn tiếp tục ủng hộ ekip vì sự “can đảm” của họ khi đi theo con đường này.
Poster phim Võ Sinh Đại Chiến
Gọi là “can đảm” vì thật sự không biết phim có đủ hoà vốn không để ekip có đủ điều kiện theo đuổi hành trình này.
Hôm nay hai anh em chúng tôi bao rạp với suất chiếu 14h30 ở Galaxy Huỳnh Tấn Phát. Thoạt đầu chúng tôi chọn xem ở CGV Crescent Mall để tiện cho buổi ăn tối nhưng tất cả các suất chiếu của phim hôm nay đã bị cắt. Các CGV khác có vài suất chiếu lác đác và phần lớn đều rơi vào khung giờ xấu, dù hôm nay là ngày Chủ Nhật, nghĩ là chỉ sau 3 ngày sau ngày công chiếu.
Thế nên, tôi chợt có một cảm giác lo lắng cho “Võ Sinh Đại Chiến” - một sản phẩm hay ho rất đáng được ủng hộ, đặc biệt là vào dịp đầu năm. 2021 rất cần những nguồn năng lượng như thế này. Mong rằng những ai đang dành thời gian đọc những dòng này của tôi cũng sẽ dành thời gian để ủng hộ “Võ Sinh Đại Chiến”.
Điều này làm tôi chợt nhớ đến phim “Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi” của Chung Chí Công, cũng là một người bạn mến thương của tôi. Tôi còn nhớ buổi chiều thứ 7, sau ngày công chiếu đầu tiên, chúng tôi ngồi ở Starbucks Hàn Thuyên trong một buổi chiều buồn khi được tin các suất chiếu vào ngày mai sẽ bị cắt đi phân nửa. Nhìn thấy Công ôm máy tính một góc, người thẫn thờ vì đứa con tinh thần rất tinh tế của mình bị vùi dập, cũng như quyết định viết một nội dung kêu gọi những ai đang có dự định muốn xem phim thì hãy đi xem ngay vì có thể phim sẽ bị ngưng chiếu bất cứ lúc nào.
Poster phim Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi
Đó là một lời kêu gọi chân thành từ một người làm nghệ thuật chân chính, dốc hết tâm huyết của mình để làm ra một sản phẩm tinh tế về cuộc sống của người trẻ trên mảnh đất Sài Gòn, trong đó nhân vật chính trải qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời. Thể loại phim này thật sự rất cần thiết cho một thế hệ đang “dễ dàng lạc lối” với muôn trùng những thách thức hữu hình lẫn vô hình của một xã hội “bề ngoài là cái ăn khách đầu tiên”.
Đã có những sự đồng cảm và ủng hộ rất lớn từ phía những khán giả trẻ để phim được sống thêm 2 tuần. Những bài viết cảm nhận về phim khiến chúng tôi thật sự xúc động, có bạn đi xem cả 4-5 lần, có bạn bảo rằng, nhờ bộ phim đó mà em đã không còn nghĩ đến chuyện kết thúc cuộc sống của mình, có bạn bảo rằng không biết phải cám ơn ekip làm phim bao nhiêu cho đủ. Tất cả những tình cảm đó thật đáng trân quý. Và khách quan mà nói, tôi chưa thấy một bộ phim Việt nào gần đây có ảnh hưởng tâm lý mạnh mẽ đến người xem như vậy. Đó là một niềm tự hào của ekip, đặc biệt làm phim.
Trích vài cảm nhận của khán giả trẻ khi xem phim "Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi”
Trước ngày công chiếu một tuần, tôi có ngồi với Công và nói rằng “Nếu phim may mắn có lời, thì tụi mình sẽ cùng nhau là một triển lãm nho nhỏ về chủ đề trầm cảm ở người trẻ”.
Mong muốn đó đã không thành hiện thực vì phim lỗ.
Lỗ là một điều dễ hiểu, lỗ trong sự hả hê của không ít người cười vào mặt chúng tôi sau lời kêu gọi đó. Họ nói nhiều lắm, lý do nào nghe cũng hợp lý cả. Có nhiều người khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và tất nhiên điều đó khiến tôi có một cái nhìn khác về họ.
May mắn thay, sau bộ phim TSRTNĐT, Công được rất nhiều thương hiệu mời quay quảng cảo và video âm nhạc. Nổi bật nhất chắn chắn sẽ là series quảng cáo Generali Việt Nam nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của người xem và đánh giá cao của người trong nghề.
Nhờ đó mà Công đã sống được với nghề, mà người như Công hay như Hoàng (biên kịch Võ Sinh Đại Chiến) thì phải sống và tiếp tục làm nghề. Vì nếu không có họ, điện ảnh Việt sẽ tiếp tục là những gam màu buồn chán, nhạt nhẽo và vụ lợi. Những người như họ nên đặt ngoài cái gọi là “cơ chế thị trường” vì nếu theo cơ chế đó, họ sẽ phải gồng mình để làm ra những thứ na ná nhan nhản ngoài kia và không ít người đã từng cười vào mặt họ nhưng cũng không quên ca thán rằng “điện ảnh xứ mình sao chán thế!”.
Trong một buổi trò chuyện với một người bạn, tôi có đặt câu hỏi rằng:
“Truyền thông & Khán giả có vai trò gì trong việc bảo hộ điện ảnh Việt Nam?”.
Người bạn tôi bằng tất cả sự tôn trọng và khiêm nhường đã trả lời một cách dung hoà nhất có thể. Tôi hiểu điều đó. Vì phía dưới có những khán giả đang lắng nghe câu trả lời của bạn và bạn cũng cần giữ hình ảnh của mình để có thể tiếp tục làm nghề.
Nhưng với tôi - cái ý kiến chủ quan ba xu của tôi thì truyền thông và khán giả chính là hai nhân tố quyết định điện ảnh nước nhà có phát triển hay không, phát triển nhanh và chậm, sâu hay rộng.
Một bên bỏ tiền ra mua vé, một bên đưa ra những nhận định công tâm với tinh thần cởi mở, cầu tiến để định hướng và khuyến khích người xem. Hai nguồn lực đó nếu chỉ đơn giản là ngồi chơi đợi xơi những món dâng lên tới miệng, thì hoặc sẽ ớn vì nhạt miệng, hoặc sẽ bội thực tinh thần vì ăn uống quá liều.
Vậy thì một bộ phim thế nào thì nên được ủng hộ về mặt vật chất và tinh thần?
Chủ đề mới lạ, đề cập đến những góc cạnh, lĩnh vực, ngành nghề chuyên môn trong cuộc sống.
Dàn diễn viên trẻ và cảm nhận màu sắc tươi mới của họ qua trailer phim và các kênh mạng xã hội của họ.
Thông điệp hay câu chuyện của phim được thể hiện trong trailer có ý nghĩa.
Góc quay và màu sắc phim có dụng ý nghệ thuật tốt.
Và nếu có thời gian nữa thì tìm hiểu xem ekip làm phim là những ai, họ có đang sống với nghệ thuật hay vì những mục đích khác.
Muốn có Bad Genius thì phải những phiên bản khác của Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi.
Muốn có Diệp Vấn hay Ngoạ Hổ Tàng Long hay Kill Bill thì phải có Võ Sinh Đại Chiến phiên bản n.
Muốn có Brokeback Mountain, Happy Together, Dear Ex hay Your Name Engraved Herein thì phải có Thưa Mẹ Con Đi phiên bản thứ 19.
Giả dụ là như vậy.
Và rõ ràng là như vậy.
* Tái bút:
- Võ Sinh Đại Chiến hiện đang chiếu ngoài rạp.
- Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi! đã có trên Netflix.
#opinion #iamhere #movie #Vietnamesemovies #VoSinhDaiChien #TranKhanhHoang #TroiSangRoiTaNguDiThoi #ChungChiCong #indiemovies
Credit:
Bài viết của Duy Tran: https://www.facebook.com/jonathannguyen149
Hình ảnh và trailer từ kênh FB và Youtube của phim.
https://bit.ly/3blWPMc
Comments