Triển lãm "Hồn Xưa Bến Lạ" đã chính thức khép lại. Mình là một trong những người may mắn đăng ký tham dự vào những ngày đầu khi thông tin về triển lãm được truyền thông chia sẻ. Những ngày cận kề và cả những ngày diễn ra, khá nhiều bạn bè của mình đã inbox để hỏi xem có cách nào để được đi xem không vì không kịp đăng ký. Điều này cho thấy một sức hút rất lớn của sự kiện đối với người yêu mỹ thuật, nghệ thuật và cả những ai tò mò với một sự kiện "hot". Cũng dễ hiểu thôi, vì đây là lần đầu tiên các tác phẩm của Tứ Trụ Mỹ Thuật Đông Dương: Lê Phổ - Mai Trung Thứ - Lê Thị Lựu - Vũ Cao Đàm đến gần với công chúng. Đặc biệt là sau vài sự kiện đưa tin về việc tác phẩm của các cụ được mua với giá từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng tại các sàn đấu giá danh tiếng, trong đó của Sotheby's.
Cảm giác đầu tiên khi bước vào không gian triển lãm là một sự trân trọng đối với ekip sản xuất chương trình - thật sự rất chuyên nghiệp, chỉn chu, đúng tiêu chuẩn quốc tế, đúng với vị thế của Sotheby's và đặc biệt là đúng tầm với các danh họa. Một lời cảm ơn chân thành và bày tỏ sự ngưỡng mộ với anh Ace Le cùng với đội ngũ đã mang một triển lãm đúng chuẩn quốc tế đến Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung. Một hình thức văn hóa nghệ thuật được xem là rất khan hiếm và rất cần thiết cho đời sống tinh thần của người yêu nghệ thuật nói riêng và công chúng nói chung. Để làm được một sự kiện, mình có thể hình dung ra khối lượng công việc phía sau cùng với sự tận tâm của đội ngũ tham gia. Đọc lời chia sẻ của anh Ace Le trên trang facebook cá nhân của anh thì càng khiến mình tự tin hơn về khâu tổ chức trong nước với những sự kiện văn hóa tầm cỡ và trang trọng thế này. Mình luôn tin rằng "Ở góc độ sản xuất, nếu thật sự muốn đầu tư, đội ngũ trong nước hoàn toàn đủ khả năng để tạo ra những sản phẩm và trải nghiệm đúng chuẩn."
Vài hình ảnh trong không gian triển lãm
Điều mình hơi tiếc một chút chính là thiếu đi những câu chuyện xung quanh các tác phẩm hoặc những tác phẩm chính hay mang tính đặc trưng của từng danh họa. Có thể là vì nguồn thông tin không đủ nhiều hoặc cũng có thể chính các danh họa cũng không nói gì nhiều về tác phẩm của mình nên phần nội dung có muốn hơn thế cũng không thể.
Quay trở lại với nội dung chính của triển lãm - các tác phẩm trưng bày. Trước khi bước vào triển lãm, mình đã cố gắng gạt bỏ hết tất cả những "suy nghĩ hay cảm xúc có sẵn" dành cho các tác phẩm của các cụ, bỏ qua những tin tức bức tranh này đáng giá chục tỷ, bức tranh kia vừa có người mua hơn triệu đô. Mình bước vào triển lãm với tâm thế là một người yêu mỹ thuật và biết "thật ít" về các cụ để đảm bảo cho cảm xúc của mình không bị chi phối bởi bất kỳ điều gì khác ngoài tác phẩm. Những nhận định bên dưới của mình là hoàn toàn mang tính chủ quan của một người yêu mỹ thuật nói riêng và văn hóa nghệ thuật nói chung, cũng có chút ít kiến thức và trải nghiệm viếng bảo tàng đó đây, cũng chưa từng là "fan" của một trong bốn vị và cũng chưa từng có "cảm giác không thích" với bất kỳ ai.
Sau khi dành khoảng hai tiếng cho bốn không gian riêng dành cho từng danh họa, thì mình có những cảm nhận thế này.
+ "Không như mong đợi" nhất: Không gian các tác phẩm của Lê Phổ. Lê Phổ được ưu ái với vị trí đầu tiên và rộng nhất vì có lẽ ông là người nổi tiếng nhất trong Bộ Tứ nhờ vào những tác phẩm được mua với giá hơn triệu đô và rất nhiều báo chí trong nước đưa tin về các sự kiện này. Rõ ràng thế mạnh của cụ Lê Phổ chính là những tác phẩm về hoa và người phụ nữ. Tất cả đều rực rỡ sắc màu, bố cục hài hòa với điểm nhấn chính phụ rõ ràng, bảng phối màu cũng rất đặc trưng và thật sự hút mắt. Tưởng tượng chỉ cần trưng bày tranh của cụ ở gian phòng khách thôi là đã sáng bừng có một không gian, thể hiện đẳng cấp và gia thế của gia chủ. Thế nhưng khi bước ra khỏi không gian đó, ngoài chữ "Đẹp" với vài tác phẩm rất đặc trưng của cụ thì mình không có cảm xúc gì hơn. Nghĩa là không có gì đọng lại. Mọi thứ trôi đi nhẹ nhàng. Có thể những tác phẩm được trưng bày chưa phải là những tác phẩm "đỉnh" nhất của cụ vì không phải nhà tài phiệt nào sở hữu tranh của các danh họa cũng muốn tác phẩm của mình được trưng bày hay "lộ diện" trước công chúng. Mình hiểu được rằng để có được ngần ấy tác phẩm của cụ Lê Phổ là điều không hề đơn giản. Nhưng ở góc độ của người thưởng ngoạn, mình tác phẩm bị thiếu đi chiều sâu hay đánh dấu một sự đột phá về tư duy nghệ thuật, khiến mình phải có cảm giác "wow" hay dành thêm thời gian để chiêm nghiệm. "Bình Hoa Đồng Nội" là tác phẩm mình yêu thích nhất trong không gian thứ 1. Tác phẩm cho thấy trình độ bậc thầy của cụ trong khoảng chơi màu. Phần nền đỏ cam không tạo cảm giác "bức mắt" mà ngược lại khiến người xem ngay lập tức bị hút vào, cảm thấy một nguồn năng lượng tươi mới bên trong nhờ vào hoa đủ sắc đang mạnh mẽ tỏa hương, bung cành. Sắc hoa ở phần trung tâm kết nối với phần nền nhưng được che chắn bởi mảnh xanh lá, đồng sắc với hoa và lá làm bệ đỡ ở khu vực dưới, điểm xuyến vài ánh vàng để làm dịu mắt người xem. Những tác phẩm tiêu biểu về hoa và phụ nữ của cụ thì thật sự không tạo ấn tượng sâu với mình, có lẽ vì hình ảnh của người phụ nữ trong đó chỉ mang tính minh họa với chung một khuôn mẫu về tạo hình, cảm xúc và cả vị thế trong xã hội. Tính khuôn mẫu đó có thể vừa là dấu ấn đặc trưng nhưng cũng dễ tạo ra cảm xúc một chiều cho người xem.
Tác phẩm "Bình Hoa Đồng Nội" - Lê Phổ, Sơn dầu trên lụa bồi trên ván, 61 x 38cm
Một vài tác phẩm tiêu biểu khác của cụ Phổ trong buổi triển lãm:
Tác phẩm "Tình Mẫu Tử" - Lê Phổ, Mực & bột màu trên lụa, 57 x 43 cm, thuộc bộ sưu tập của Quang San
Tác phẩm "Hai Người Bạn" - Lê Phổ, Sơn dầu trên lụa, 59,5 x 40 cm
Tác phẩm "Thiếu Nữ Bên Mẫu Đơn" - Lê Phổ, Đa chất liệu trên lụa bồi trên ván, 1966, 72,8 x 49,8 cm
Tác phẩm "Hoa Anh Túc" - Lê Phổ, Sơn dầu trên toan, 91,5 x 65 cm, thuộc bộ sưu tập của Hàn Ngọc Vũ
Chân dung & Tiểu sử sơ lược của danh họa Lê Phổ
+ Tiếc nhất: Không gian tranh của cụ bà Lê Thị Lựu. Ngoài 1 tác phẩm "đinh" của cụ và cũng là tác phẩm mình thích nhất trong không gian này - "Thiếu Nữ Việt Bên Suối", các tác phẩm còn lại khá là mờ nhạt, thiếu đi cái hồn và tâm tình của một nữ danh họa, điều có thể thấy rất rõ trong tác phẩm "Thiếu Nữ Việt Bên Suối". Những tác phẩm chân dung gần như chỉ mang tính đặc tả, thiếu đi cảm xúc và chiều sâu trong cái nhìn của nhân vật, tạo cảm giác bị gò bó trong chính tác phẩm. Có lẽ bà là người phụ nữ duy nhất trong Bộ Tứ mà phụ nữ thì sẽ phải đi qua nhiều cung bậc cảm xúc và trải nghiệm trong việc chăm sóc và cáng đáng gia đình nên sáng tác có thể không phải là ưu tiên của bà trong một giai đoạn nào đó và nó có thể ảnh hưởng đến thần thái của tác phẩm. Như trong phần tiểu sử có ghi, bà phải có một thời gian tập trung cho công việc chính trị và mưu sinh. Với tác phẩm "Thiếu Nữ Việt Bên Suối" vì thấy được dấu ấn đặc trưng của cụ trong nét vẽ, trong cách phối màu, thấy được sự trong trẻo của cô gái nhưng cũng thoảng thoáng một nét buồn man mác, của sự chông chênh của tuổi mới lớn, hoặc sự bí bách bên trong của một cô gái còn đời sống giàu có và muốn thoát ra khỏi những cảm xúc đó bằng cách để mình rong ruổi giữa thiên nhiên, đất trời.
Tác phẩm "Thiếu Nữ Việt Bên Suối" - Lê Thị Lựu, Mục & bột màu trên lụa, 64 x 49 cm, 1973, thuộc bộ sưu tập của Quang San
Chân dung & Tiểu sử sơ lược của danh họa Lê Thị Lựu
+ Bất ngờ nhất & Thích nhất: Không gian của cụ Vũ Cao Đàm. Vũ Cao Đàm có lẽ là cái tên được nhắc ít hơn hẳn so với Lê Phổ & Mai Trung Thứ. Và chính vì sự ít mong đợi đó là tạo cho mình cảm giác bất ngờ và thú vị nhất. Tác phẩm "Kỵ Sỹ & Ngựa" là tác phẩm yêu thích nhất của mình trong cả buổi triển lãm. Một sự kết hợp giữa tả thực và trừu tượng, giữa nóng và lạnh, giữa những đường nét sắc gọn, dứt khoác với những đường cong mềm mại. Khi nhìn cận hơn vào tranh ở góc trực diện và góc nghiêng sẽ thấy được kỹ thuật rất riêng của cụ trong việc tạo ra các lớp sơn bằng những vết màu rất gãy gọn, mạnh mẽ. Có lẽ vì cụ là người duy nhất từ khoa điêu khắc chuyển sang hội họa, thế nên cụ mang những tư duy và kỹ thuật của điêu khắc vào việc vẽ tranh, nhờ đó tạo nên sự đối lập và cả sự tương hỗ rất tốt về màu sắc, bố cục và texture trong mỗi tác phẩm, và đó chính là điều khiến mình cảm thấy thích thú nhất. "Truyện Kiều" và "Chinh Phụ Ngâm" là hai nguồn cảm hứng chính trong các tác phẩm của cụ. Thế nên hình ảnh của người phụ nữ trong tranh rất thanh tao, thư thái, được thể hiện bằng những đường nét thanh mảnh nhưng rõ nét, đặc biệt ở phần khuôn mặt.
Tác phẩm "Kỵ Sỹ & Ngựa" - Vũ Cao Đàm, mực và bột màu trên giấy, 50 x 65,5 cm, 1961, thuộc bộ sưu tập của Hàn Ngọc Vũ
Một vài tác phẩm tiêu biểu khác của cụ Đàm trong buổi triển lãm:
Tác phẩm "Hai Thiếu Nữ" - Vũ Cao Đàm, mực và bột màu trên giấy, 47 x 58,5 cm, 1939
Tác phẩm "Giao Ước Vòng Ngọc" - Vũ Cao Đàm, sơn dầu trên toang, 73,5 x 60,5 cm, 1969
Tác phẩm "Trở Về" - Vũ Cao Đàm, sơn dầu trên toang, 92,5 x 73,5 cm, 1964
Tác phẩm "Đức Tin" - Vũ Cao Đàm, sơn dầu trên toang, 73,5 x 61 cm, 1967, thuộc bộ sưu tập của Quang San
Tác phẩm "Chân dung Vũ Đình Thi" - Vũ Cao Đàm, mực và bột màu trên lụa, 43 x 34 cm, 1936-1940, thuộc bộ sưu tập của Indochine House
Chân dung & Tiểu sử sơ lược của danh họa Vũ Cao Đàm
+ Với không gian của cụ Mai Trung Thứ, cảm giác mình có được là một sự hòa quyện của sự khoan thai, thư thái bên cạnh chút tinh nghịch, ngẫu hứng và cả một chút nổi loạn ngầm bên trong. Có lẽ sau Vũ Cao Đàm thì Mai Trung Thứ là không gian mình thích thứ 2. Tác phẩm "Gió Xuân" có thể được xem là một trong những tác phẩm đỉnh nhật của cụ. Hai thiếu nữ trong tranh đẹp thanh thoát như tiên giáng trần, những cọng tóc mai nhẹ bay theo gió thật sự là những chi tiết đắt giá, người xem hoàn toàn có thể hình dung và cảm nhận được làn gió đang lay động cả một không gian trong khung hình. Phần khung cảnh phía sau được tối giản hết mức có thể, chỉ là vài cành lá, bụi cây thanh mảnh hướng mình theo gió để hai nhân vật chính trở thành trọng tâm của tác phẩm. Bảng màu của phần nền cũng thật sự xuất sắc, vừa hòa quyện vừa tốn lên màu áo dài của hai cô gái, chiếc khăn vấn màu vàng là một chi tiết tuyệt vời, như một ánh hào quanh cho người cảm thấy đây sẽ là người chị, bảo vệ và dìu dắt em mình trong bất kỳ cơn gió bão của cuộc đời, thông qua ánh nhìn và cái nắm tay. Bộ Tứ bốn tranh nhỏ cho thấy sự tinh nghịch và ngẫu hứng của cụ Thứ. Trong khi "Ngủ Trưa" và "Bên Ao" lại thể hiện một sự "trễ nãi", "mời gọi" rất tinh tế và thơ mộng.
Tác phẩm "Gió Xuân" - Mai Trung Thứ, mực và bột màu trên lụa, 55 x 40 cm, 1940
Một vài tác phẩm tiêu biểu khác của cụ Thứ trong buổi triển lãm:
Tác phẩm "Thiếu Nữ Soi Gương" - Mai Trung Thứ, mực và bột màu trên lụa, 54,5 x 46 cm, 1943
Từ trái sang phải: Thiếu Nữ Áo Cam Cầm Hoa, 1957, 17,5 x 12 cm - Thiếu Nữ Cầm Quạt, 17,5 x 12 cm - Thiếu Nữ Khăn Lam, 1967, 19 x 10 cm - Thiếu Nữ Khăn Lục, 1967, 19 x 10 cm, Mai Trung Thứ, mực và bột màu trên lụa
Tác phẩm "Ngủ Trưa" - Mai Trung Thứ, mực và bột màu trên lụa, 26 x 36 cm, 1942
Tác phẩm "Bên Ao" - Mai Trung Thứ, mực và bột màu trên lụa, 58 x 44,5 cm, 1944
Chân dung & Tiểu sử sơ lược của danh họa Mai Trung Thứ
Sau khi bước ra khỏi khu vực triển lãm, cảm xúc đọng lại trong mình chính là sự trân trọng đối với ekip tổ chức triển lãm, một lời cảm ơn đối với những gia chủ đã mạnh dạn đưa các tác phẩm của mình đến với công chúng. Sự thành công của triển lãm có thể là bước tiền đề cho các nhà sưu tập tranh trong nước có thể tự tin mang những gia sản của mình ra để chiêu đãi công chúng một món ăn tinh thần quý giá bên cạnh sự tổ chức rất chuyên nghiệp của đội ngũ vận hành trong nước - điều đã được kiểm chứng thông qua triển lãm này. Và sẽ càng tuyệt vời hơn nếu những buổi triển lãm chuyên nghiệp, chỉn chun như thế này được tổ chức dành cho các họa sỹ mới, những tài năng trẻ - những người rất cần được các tổ chức, các mạnh thường quân yêu nghệ thuật hỗ trợ để các tác phẩm của họ được nhiều người biết đến hơn. Cải thiện cảm thụ nghệ thuật của công chúng cần có sự đa dạng về thể loại, đa chiều về góc nhìn và đa diện trong việc giới thiệu những gương mặt mới. Để những thế hệ tiếp nối của một nền mỹ thuật non trẻ (theo như lời của danh họa Nguyễn Thanh Bình) có thêm sự hỗ trợ và động lực để tạo nên sự phát triển chung của nền mỹ thuật Việt Nam. Vì một nền mỹ thuật không thể chỉ phụ thuộc vào những Bộ Tứ "Phổ, Thứ, Lựu, Đàm", "Trí, Lân, Vân, Cẩn", hay "Nghiêm, Liên, Sáng, Phái", mà cần một thế hệ kế thừa. Và mình tin chắc một điều rằng, ngoài kia đang có rất nhiều những họa sỹ tài năng, có thể họ không giỏi trong việc xây dựng hình ảnh, nhưng những tác phẩm của họ khi được đặt vào những không gian phù hợp, có thể không thua kém gì các bậc tiền bối. Điều họ cần, cũng là điều mình mong mỏi nhất, chính là sự hỗ trợ của các nhà tài phiệt sưu tầm tranh, sự nâng đỡ không vụ lợi của thế hệ đi trước và sự ủng hộ của các kênh truyền thông giữa những ngổn ngan xô bồ của đời sống giải trí hiện nay. Nhắc đến bác Nguyễn Thanh Bình, mình vô tình đã đọc được một nhận xét của bác về triển lãm và thật sự mình khá là đồng tình với bác. Mình xin trích một đoạn trong phần nhận xét như sau:
"Nếu so sánh tác phẩm của các họa sỹ Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu và Vũ Cao Đàm với những người thầy của họ như Victor Tardieu, Joseph Inguimberty hay Alix Aymé thì thấy rất rõ độ chênh, chẳng những về kỹ năng mà còn ở cách nhìn.
Cái nhìn của V.Tardieu, J. Inguimberty thể hiện tình cảm với xứ An Nam tương tự như bác sỹ Alexandre Yersin, chân thực và có chiều sâu, điều mà bộ tứ "Phổ, Thứ, Lựu, Đàm" chưa có, hoặc nói chính xác hơn : thể hiện cái nhìn của giai cấp xuất thân của mình, với trình độ tay nghề thấp hơn. Điều đó là tất nhiên, bởi sau lưng họ là một khoảng trống."
Mình rất đồng tình ở "cách nhìn" và "sau lưng họ là một khoảng trống". Điều mà mình đã có đề cập trong các phân tích ở trên. Cũng từ nhận xét này mà mình đã dành thời gian để tìm kiếm các tác phẩm của "Victor Tardieu, Joseph Inguimberty & Alix Aymé" - những người thầy của Bộ Tứ "Phổ, Thứ, Lựu, Đàm".
Và sau khi xem qua tranh của các cụ, thì mình lại càng đồng tình hơn ở nhận định "thấy rõ độ chênh, chẳng những về kỹ năng mà còn ở cách nhìn", "thể hiện tình cảm với xứ An Nam".
Bên dưới là một vài những tác phẩm tiêu biểu của 3 vị:
Victor Tardieu
Tác phẩm "Phố Của Những Người Đổi Tiền", Sơn dầu
Bức tranh của Victor Tardieu ở Đại học Đông Dương (phục chế). Trên diện tích 77m2, ông đã tái hiện lại khung cảnh xã hội Việt Nam thời bấy giờ một cách chân thực. Tác phẩm được vẽ tại chỗ với những người làm mẫu địa phương, được hoàn thành sau 6 năm.
Tác phẩm "Tiêm vắc-xin", sơn dầu
Tác phẩm "Chợ bên sông", sơn dầu, khoảng năm 1924
Joseph Inguimberty
Tác phẩm "Những người đàn bà" (Groupe de femmes), tranh sơn dầu (67 x 115), vẽ năm 1932
Tác phẩm ‘Family In Front of A Pond’
Tác phẩm 'Femme au hamac,' 1940, sơn dầu, 189 cm x 180 cm
Tác phẩm 'Hai Người Phụ Nữ', sơn dầu
Tác phẩm 'Farmers in Tonkin,' 1938, sơn dầu, 68 cm x 129 cm
Alix Aymé
Tác phẩm "Kỷ niệm Đông Dương", sơn mài
"Child asleep with the cat", sơn dầu trên canvas, 55 x 89 cm, khoảng 1935, Hà Nội.
"Naked with a bouquet of white lilies", sơn dầu trên canvas, 70 x 90 cm, khoảng 1935.
Tác phẩm "Khoả thân bên hoa sen", tempera trên toan, 68x109cm
Xin khép lại bài viết bằng một khoảnh khắc thật đẹp từ triển lãm. Cụ bà trong hình là người đã dành thời gian để ngắm, đọc và xem xét rất kỹ các chi tiết của từng tranh, đôi lúc cụ còn giải thích thêm cho vài bạn trẻ nếu vô tình đứng cạnh. Hẳn cụ là một người am hiểu về mỹ thuật, hoặc đang là mộ họa sỹ cũng nên.
Một hình ảnh đẹp, một khoảnh khắc đẹp, một kỷ niệm đẹp, đáng được trân trọng.
#iamhere #opinion #artexhibition #honxuabenla #LePho #MaiTrungThu #LeThiLuu #VuCaoDam #VictorTardieu #JosephInguimberty #AlixAymé
Ghi chú:
1. Bài viết của Duy Tran: https://www.facebook.com/jonathannguyen149
2. Hình ảnh được chụp từ triển lãm "Hồn Xưa Bến Lạ"
3. Các tác phẩm của Victor Tardieu, Joseph Inguimberty & Alix Aymé được tìm kiếm thông qua Google. Vài tác phẩm mình không tìm được thông tin nên nếu bạn đọc nào có thông tin bổ sung thì có thể chia sẻ cùng mình.
Comments