T.
31 tuổi
Hi anh,
Cách đây 2 tuần em có ngồi viết 1 đoạn thật dài tính gửi anh nhưng mà sau em lại xoá đi mất. Đã lâu rồi em không nhắc lại những chuyện này vì nó ám ảnh em trong khá nhiều năm lúc còn nhỏ, cho đến bây giờ cứ mỗi lần lôi ra em lại khóc và buồn rất lâu mới trở lại nhịp được. Em đang tự hỏi không biết mình bị stuck ở chỗ nào mà không để ký ức nó trôi đi được. Hay do em vẫn còn quá nhiều điều chưa nói ra được với bố mẹ nên em còn vướng vận trong lòng. Ám ảnh lớn nhất của em trong nhiều năm qua chính là "Mẹ và gia đình", em để mẹ lên trước vì cứ mỗi lần em xem film, đọc truyền hay nghe 1 bài hát về mẹ là em dễ xúc động. Nhiều khi em còn khóc rất rất nhiều như kiểu ấm ức trong lòng lâu lắm rồi không giải toả được. Nên nhiều năm qua em hạn chế tối đa tất cả những gì liên quan đến Mẹ và Gia Đình, em sợ em không thể đối mặt được. Hay là em không dám đối mặt? Em không biết.
Tầm năm 2000 mẹ em bị trầm cảm và bệnh trở nặng thành tâm thần, mẹ không thể kiểm soát được hành động và suy nghĩ của mình, lúc đó bố thì làm ở xa chỉ có em và em gái sinh năm 1998 ở nhà. Mỗi lần nhớ lại em không biết lúc đó điều gì đã khiến em có đủ sự dũng cảm để m con bé em trên tay mà chạy mỗi lần mẹ lên cơn đập phá đồ đạc. Em chỉ biết chạy, em cũng chẳng khóc, em không biết buồn, em chỉ hiểu rằng mẹ đang bệnh, mẹ cần được giúp đỡ. Tụi em sống như vậy, tự thân vận động (nên giờ nấu nướng, dọn dẹp em không giỏi nhưng không có gì là em không biết) cho đến tầm 3 năm sau thì mẹ tự đỡ hẳn lại, không bệnh viện, không thuốc thang. Em nghĩ thời gian đã giúp mẹ chữa lành 1 phần vết thương nhưng có vẻ thời gian không giúp em. Trải qua ngần ấy chuyện, giao du với bạn bè giàu có làm em thay đổi. Em tự trách mình, trách bố mẹ vì sao không giàu có để em được có những thứ em muốn, tự dằn vặt mình tại sao lại được sinh ra trong một gia đình khiếm khuyết nhiều đến vậy. Em muốn chết, muốn sinh ra vào một gia đình khác. Nghĩ lại thiệt trẻ con.
Cả 1 quãng đời cấp 3, em chẳng học được gì, em chỉ được loại khá duy nhất 1 tháng, còn lại đều TB đủ qua lớp. Nhưng bù lại em có năng khiếu cầm kỳ thi hoạ nên em đã từng xin học kiến trúc hoặc thiết kế nội thất nhưng mà nhà em không đủ điều kiện và gia đình cũng không ủng hộ nên em đành thôi. Em thi đại học cũng rớt hết, chỉ may mắn đậu được 1 trường là Văn Lang, Khoa PR do năm em là năm đầu của khoa này. Anh biết không, em còn nhớ như in ngày đầu tiên em xuống Sài Gòn học, em tự xách 1 cái vali, 1 cây quạt và ngồi trên chiếc taxi, không bố không mẹ, không bạn bè. Em ngồi trên xe em nghĩ mình đang đi đâu? Rồi mình sẽ như thế nào? Chẳng biết sao 1 tiếng ngồi trên xe nó thay đổi cả cuộc đời của em. Em nghĩ mình thoát rồi, mình tự do rồi, sống thôi. Suốt 4 năm học đại học, bố mẹ chưa bao giờ biết chỗ em ở, cho đến bây giờ vẫn vậy, 13 năm em ở SGN rồi. Bố mẹ của bạn ở chung nhà thì gọi cho con suốt, hỏi han, gửi đồ ăn. Tuyệt nhiên bố mẹ em không bao giờ gọi, em nói vui "bố mẹ gọi mà em còn alo là em còn sống, vậy thôi". Em vừa cảm thấy tự do với điều đó, em vừa cảm thấy dằn vặt với sự thiếu thốn tình cảm gia đình cũng từ đó. Em không biết phải làm gì để cân bằng lại nó.
Rồi em ra đi làm, em tự kinh doanh, tất cả mọi thứ em đều tự thân vận động. Có những tháng khó khăn đến nổi em chẳng còn đồng nào nhưng em không nói Bố Mẹ vì em sợ phải nói ra. Con của bố mẹ trước giờ ổn, chưa bao giờ làm sai điều gì từ khi đi SGN học và khi khó khăn, 1 mình con tự đứng được. Rồi em cũng bắt đầu kinh doanh bằng cách đi vay một khoản tiền cũng khá lớn, nếu thất bại, em ôm 1 món nợ. Bố mẹ lớn tuổi, chưa bao giờ xem việc kinh doanh là 1 công việc ổn định, anh biết tính người lớn mà. Em cứ ôm những mối bận tâm đó mà sống, em sống bằng cách nhét, nhồi tụi nó vào 1 cái ngăn hở hở trong lòng. Nên cứ mỗi lần có chuyện thì tụi nó tuông ra, em không ngăn lại được. Hiện tại em ổn, em sống ổn với khả năng của mình nhưng em vẫn vậy, em chưa từng vượt qua được những khúc mắt trong lòng. Anh chắc chắn nhớ có 1 đoạn 2 mẹ con nói chuyện lúc gọi video call trong "Trời sáng rồi, Ta Ngủ Đi Thôi!" không, em khóc muốn tắt thở trong rạp. Em chưa bao giờ làm được chuyện đó, em chưa bao giờ gọi cho mẹ hỏi thăm hay thú nhận với mẹ em sai cái gì. Có 1 lần ngồi trong công ty, em xem clip 10 bước chân của Vết sẹo cuộc đời, em đã không thể làm việc cả ngày hôm đó và khóc đến sưng cả mắt. Em từng đi làm tình nguyện viên cho ước mơ của Thuý tại BV ung bướu nhưng em không làm được lâu, em không thể chịu nổi cảnh những người mẹ ôm đứa con thơ nhỏ xíu trong lòng mà đứa bé đang bị ung thư, em cứ khóc suốt. Anh thấy không, rõ ràng em có vấn đề không nhỏ về việc đối mặt này. Em chọn lãng tránh bằng cách, không xem, không nghe, không đọc bất kỳ thứ gì. Như chiều nay em xem cái clip anh share, bình thương em thấy cũng không có gì vì chủ yếu là bạn bè là nhiều, chiều nay em xem nước mắt em nó tự chảy, tới khúc cuối em muốn trào ra mà may em kềm lại. Những lúc mệt mỏi quá em hay ngồi suy nghĩ về mẹ rồi em khóc, em khóc cho đã rồi em tự xóc lại tinh thần cho mình và bước đi tiếp. Mấy tuần gần đây, em lại suy nghĩ tiếp, mỗi lần như vậy em bị trào ngược dạ dày.
Công việc kinh doanh gần đây không như mong đợi. Năm ngoái em quyết định tách không làm chung với người đồng sáng lập nữa nữa, ra đi làm lại vì em nghĩ mình không thể đứng 1 chỗ được, em tâm niệm cuộc đời em phải thành công nên chỉ cần em thấy mình không tiến là em phải vận động. Em xin đi làm lại và vào được một công ty BDS, mọi thứ trở nên quá tốt, CV tốt, benefits tốt cho đến khi công ty bị mua lại và tái cấu trúc, toàn bộ team em người bị cho out lần lượt từng người. Em là người cuối cùng còn lại. Rồi em cũng thôi, em không thể tiếp tục nếu không có đồng đội. Em xin nghỉ giữa cơn bão Covid - 19.
Mọi thứ 1 lần nữa quay về vạch xuất phát, em vừa thuê 1 căn nhà nguyên căn chuẩn bị cho 1 business khác. Giờ mọi thứ đè nặng lên vai em, rồi em cứ nghĩ đến mẹ và gia đình những lúc này, phải chi em đủ dũng cảm nói con mệt rồi, con về một thời gian nha, con sắp không thể chịu nổi nữa. Nhưng mà cứ mỗi lần nghĩ tới thì em chỉ có khóc thôi, rồi thôi, em lại phải nhồi nhét nó vào 1 ngách nào đó để em bước tiếp. Những ngày này em lại chơi vơi, bạn bè có nhưng để nói là ngồi xuống nói những chuyện này, bạn em có nghe được nhưng không thể chia sẻ và khuyên em được. Người yêu thì sau nhiều lần đổ vỡ mặc dù em muốn settle down rồi, em mệt với những mối quan hệ không đi đến đâu, em chọn ở 1 mình cho tới khi nào em thật sự tìm được 1 người chia sẻ được những nỗi niềm này của em.
Em là người không tiêu cực, em sống có niềm tin vào ngày mai lắm. Em buồn đó nhưng rồi em lại sẽ vui đó, em sẽ bằng mọi cách vượt qua được những khó khăn tại em tin vào em. Em viết để tìm kiếm 1 sự sẻ chia và những lời khuyên em nên làm gì tiếp theo thay vì chỉ là sự lắng nghe. Em đang mất phương hướng thật sự, em đã 31 và em không thể cứ bắt đầu lại từ đầu mãi được và em cũng cần phải đối mặt với những cảm xúc về Mẹ và về gia đình.
Cảm ơn anh đã lắng nghe.
Em T.
Tác phẩm "Ngổn ngang" của Tô Bảo Ân
-------------------------------
Dear T.,
Trước tiên, anh cám ơn em vì đã dành thời gian để viết ra những chia sẻ này và gửi đến anh như một cách thể hiện sự tin tưởng của em dành cho anh. Anh xin lỗi vì đã hồi âm hơi muộn vì thật sự sau khi đọc những chia sẻ của em, anh phải dành thời gian để suy nghĩ khá nhiều. Thật sự thì anh em mình biết nhau cũng đủ lâu, anh cũng phần nào đoán được những trăn trở của em qua những đoạn trò chuyện ngắn của giữa anh em mình, nhưng khi đọc hết câu chuyện của em cũng như nghĩ về hành trình mà em đã trải qua, quả thật đó là một hành trình khó khăn cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Anh em mình đều có điểm chung là sự ảnh hưởng quá lớn của mẹ trong việc hình thành quan điểm sống và xây dựng nên con người chúng ta ở ngày hôm nay. Với anh đó là những ký ức vui có, buồn có, hạnh phúc có, hối hận cũng có. Nhưng với em, theo anh tưởng tượng, là những mảng ký ức buồn, mang nặng sự tổn thương tinh thần từ thuở nhỏ vì căn bệnh ngoài ý muốn của mẹ, dẫn đến những hành vi không hay của bà. Và điều đó, với anh thật sự là một thử thách lớn. Mẹ vẫn ở đó, nhưng sao quá xa cách. Mẹ nghe thật gần gũi, nhưng sao lại quá xa vời. Chính điều đó đã tạo nên một áp lực tâm lý quá lớn đối với em.
Thật sự, anh rất ngưỡng mộ em trong việc lựa chọn con đường của mình. Một hành trình quá can đảm khi một mình phải đương đầu với mọi thứ, từ những ngổn ngang bên trong mình cho đến việc phải tự thân mưu sinh. Anh tin chắc rằng khi nhìn lại, em sẽ cảm thấy tự hào về bản thân mình, và cho dù hiện tại, hay tương lai có tiếp tục mang đến những thử thách cho em (mà thật ra là cuộc sống sẽ luôn làm như thế với phần lớn mọi người) thì em sẽ vượt qua và sẽ tiếp tục cảm thấy tự hào về sự trưởng thành của em vì em xứng đáng với điều đó.
Đọc những chia sẻ của em, điều mà anh cảm nhận rõ ràng nhất là chính là tình cảm của em dành cho mẹ - nó bao gồm cả tình yêu, sự tổn thương, một chút trách móc và phần nhiều sự cô đơn, kiểu như “có như không có!”. Khi cuộc sống phẳng lặng thì em có đủ năng lượng để cất giấu nó đi, nhưng khi sóng gió tìm đến hay điều gì đó mang tính gợi nhắc, thì một cách tự nhiên, cảm xúc đó lại trỗi dậy. Điều đó nói rằng, thật tâm em muốn kết nối lại với mẹ, nhưng em sợ sẽ bị tổn thương lần nữa khi điều em mong đợi không đến, giả dụ như là phản ứng của mẹ khi em tìm về. Và đó là những cảm xúc rất đỗi tự nhiên.
Anh cũng đã từng suy nghĩ rất nhiều về việc liệu mình có nên kết nối lại với ba hay không khi ông hiện đang có một cuộc sống mới với gia đình mới. Kể từ khi mẹ anh mất, tính đến nay là 17 năm, thì chắc câu hỏi đó trong đầu anh cũng gần mười mấy năm. Vì thật sự, anh sợ phải đối mặt với việc ông có những phản hồi như mình không mong đợi. Nhưng rồi cách đây 3 năm, trong một buổi chiều anh chạy xe ngang chỗ ông làm, nhìn thấy ông già đi thấy rõ, tự nhiên trên cả con đường anh không ngừng khóc và anh không hiểu tại sao mình lại có phản ứng như vậy. Sau đó, khi bình tâm lại thì anh hiểu ra rằng, cảm xúc đó là vì anh sợ một ngày nào đó, anh không còn được gặp ông nữa, như anh đã không còn cơ hội được gặp mẹ. Thế là anh quyết định viết thư cho ông, lấy hết can đảm để nhờ người gửi cho ông, và em biết gì không? Anh đã không có một phản hồi gì cả, điều mà anh “sợ” đã diễn ra. Nhưng kỳ lạ thay, anh lại không thấy buồn, mà ngược lại anh lại cảm thấy nhẹ nhàng vô cùng. Vì anh biết rằng, anh sẽ không cảm thấy hối hận khi không làm điều mà anh thật sự muốn – thể hiện mong muốn được kết nối với ba mình, cái mong muốn hết sức bình thường và tự nhiên với nhiều người, nhưng lại trở nên quá khó khăn với mình. Từ những ngày sau đó, mỗi khi đi ngang, anh đã không còn ngần ngại để nhìn ông, anh đã không còn tự nhiên rơi nước mắt trên đường về. Vào Tết năm nay, ông là người đã chủ động gọi điện hỏi thăm anh thông qua vài sự kiện, em thấy đó, 3 năm sau khi bức thư được gửi đi.
Lý do anh chia sẻ câu chuyện này với em, và cũng là lần đầu tiên anh chia sẻ với một người, là để em tìm thấy sự đồng cảm và có thêm động lực để trở thành người chủ động kết nối. Vì cách tốt nhất để vượt qua nỗi đau, không phải là việc cố gắng vượt qua nó, không phải là việc tỏ ra luôn mạnh mẽ, mà chính là việc đối mặt với nó và chủ động thấu hiểu nó để tìm ra lối đi. Vì nếu không, tất cả những sự mạnh mẽ, cố gắng vượt qua chỉ là giải pháp tạm thời và thậm chí, đến một lúc nào đó nó sẽ khiến em cảm thấy kiệt sức. Sự mất cân bằng bên trong, một cách tự nhiên sẽ ảnh hưởng đến trực giác và cảm giác của em trong cả chuyện tình cảm và đối tác công việc.
Cơ thể mình là một thể thống nhất và bất kỳ sự mất cân bằng nào cũng sẽ dẫn đến những hệ quả nhất định cho các khía cạnh khác của cuộc sống.
Hiện giờ, em đang chọn cách chôn giấu tất cả nhưng điều này sẽ trở thành một nỗi ân hận rất lớn, có thể theo em đến suốt cuộc đời khi mẹ không còn trên cuộc sống. Đó là điều mà anh có thể chắc chắn với em, vì đó chính là cảm giác kinh khủng nhất mà anh phải đối mặt trong rất nhiều năm sau khi mẹ mất. Đó là một chuỗi những câu hỏi không có câu trả lời: “Lúc mẹ còn sống, sao mình không dành thời gian nhiều hơn để chia sẻ với mẹ?”, “Sao lúc đó mình có thể vô tâm đến vậy?”, “Sao lúc đó mình có thể nói ra những lời như thế?”, vì anh lúc đó đúng nghĩa là cậu công tử mang bệnh nặng và đã quen sống trong sự bảo bọc của mẹ. Nếu không có những giấc mơ, nghe hơi tâm linh nhỉ, thấy mẹ trở về trong nhiều tình huống khác nhau, nhưng cuối cùng là để nhắc nhở anh rằng: anh phải sống thật tốt, sống thật tử tế. Đó chính là điều duy nhất mà mẹ mong muốn ở anh. Chính điều đó đã trở thành một động lực rất lớn để anh trở thành anh của ngày hôm nay.
Em đã rất mạnh mẽ trong cả một thời gian dài, vậy thì hãy mạnh mẽ thêm lần nữa để chủ động kết nối lại với mẹ em nhé! Có những thứ em nghĩ rằng khó khăn vô cùng nhưng thật ra lại dễ hơn em nghĩ, đó chính là cảm giác một cái tin nhắn được gửi đi, như cái lá thư tay anh gửi đến ba anh vậy đó.
Cuối cùng thì điều ý nghĩa nhất mà cuộc sống này dạy chúng ta chính là thấu hiểu bản thân mình hơn và từ đó yêu thương mình hơn. Vậy nên, hãy yêu thương bản thân em hơn bằng việc chấp nhận một sự thật rằng “Em cần có mẹ cạnh bên và em sẽ nói ra điều đó!”.
Mà ai lại không cần có mẹ cạnh bên em nhỉ?
Anh, em và hàng tỉ người trên trái đất này đều như thế!
Anh rất mong sẽ nhận được tin nhắn tiếp theo của em để chia sẻ về những niềm vui sau khi kết nối lại với mẹ.
Anh sẽ đợi nhé!
iamhere,
Credit:
1. Hồi âm của iamhere: https://www.imheretolisten.com/gocchiase
2. Tác phẩm "Ngổn ngang" của Tô Bảo Ân: https://www.facebook.com/bi.tnakk.5
Ghi chú:
1. Tên nhân vật đã được thay đổi.
2. Nội dung chia sẻ đã được sự cho phép.
https://bit.ly/3blWPMc
コメント