top of page
Writer's pictureiamhere

SỰ MÂU THUẪN CỦA LOẠI NGƯỜI: KẺ NGOÀI CUỘC VÀ NẠN NHÂN

Tôi tin rằng trong chúng ta, ai cũng sẽ đôi lần đối mặt với câu nói:


“Mày/Anh/Chị/Em không hiểu được đâu, phải ở trong hoàn cảnh này mới biết!”


Câu này thường xuất hiện trong những buổi tâm sự giữa hai người hoặc nhiều người. Khi đến đoạn ý kiến hay suy nghĩ của bạn có vẻ không giống hoặc trái ý kiến của người đang trong tình huống đó.


Thoạt đầu, bạn, cũng như tôi đã từng, sẽ nghĩ: “Ừ, có thể vậy, chắc tại mình không trong hoàn cảnh của nó, mình sẽ không hiểu!”.


Và sau đó, chúng ta sẽ tìm cách hướng về việc lắng nghe người kia hoặc thể hiện sự đồng cảm với họ.


Tuy nhiên, những năm gần đây, tôi chợt nhận ra rằng việc tôi (hoặc chúng ta) từng làm không hẳn là sự lắng nghe và chia sẻ, mà là nhập vai vào một trong những màn diễn phổ biến của cuộc đời mang tên “Kẻ ngoài cuộc và Nạn nhân”.



Tác phẩm "Tears" của Huey


Cái gì đã giúp tôi nhận ra được điều này?


Nó xuất hiện một cách hết sức tình cờ trong những mẫu chuyện phiếm với vài đứa bạn.


Chúng tôi nói về việc tại sao lại có những người phụ nữ chấp nhận đau khổ trong một mối quan hệ với quá nhiều những đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn.


Một người bạn của tôi bảo rằng đã từng rất nhiều lần chia sẻ, lắng nghe, động viên, khuyến khích người đó mạnh mẽ để thay đổi cuộc đời của mình. Và tất nhiên, kết thúc buổi nói chuyện sẽ là sự im lặng của cả hai sau câu nói:


“Mày không hiểu được đâu!”


Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy những tình huống thế này, không chỉ xảy ra trong câu chuyện gia đình, tình yêu mà còn cả trong công việc, trong cuộc sống và các mối quan hệ xã hội.


Bỗng nhiên tôi đặt hai câu hỏi, mà thường trong những lần trước tôi đã không dành đủ thời gian để nghĩ ra:


“Chữ “hiểu” ở đây sẽ được hiểu thế nào? Điều đó có thật sự quá khó hiểu không?”


Nội dung đó không thuộc về kiến thức khoa học, xã hội chuyên môn như thiên văn học, năng lượng vũ trụ, giải phẫu học, vi sinh học, kinh tế lượng, kinh tế vi mô - vĩ mô, các hệ tư tưởng triết học.


Nội dung đó cũng không được thể hiện bằng một ngôn ngữ khác.


Vậy thì có gì mà mình không hiểu nhỉ?


À hoá ra cái không hiểu đó không phải là không hiểu về mặt nội dung và bản chất của vấn đề, mà là không hiểu được diễn biến tâm lý, quá trình hình thành nên tư duy, quan điểm của người đó đối với sự vật, sự việc, dẫn đến hành động và tạo ra hệ quả.


Tôi chợt nhận ra rằng, có rất nhiều người ở trong tình huống đó là vì sự lựa chọn của họ.


“Nếu sai lần đầu là do thiếu trải nghiệm, sai lần thứ hai thì có thể chưa vượt qua được bản thân mình, sai lần thứ ba thì rõ ràng là sự lựa chọn.”


Chúng ta có thể bao dung và chia sẻ với lần thứ nhất, chúng ta có thể kiên nhẫn với lần thứ hai, nhưng không nên phung phí lòng tốt của mình vào lần thứ ba.


Ví dụ như tôi từng chứng kiến một người phụ nữ với hai đời chồng và một vài đời tình nhân - điểm chung của họ là đều say xỉn và dẫn đến động tay động chân. Mỗi lần như thế là xảy ra những màn khẩu chiến vang dội. Thoạt đầu, người ta cảm thương chia sẻ, sau người ta lặng lẽ, thờ ơ và nói nhỏ với nhau rằng: “Nhỏ đó tính nó vậy!”.


Điều này khiến cho tôi có suy nghĩ “Phải chăng, việc lắng nghe, chia sẻ, thấu cảm, đồng cảm của mình và cả của nhiều nhiều những người khác ngoài kia, một cách vô thức trở thành sự cổ vũ cho những điều như thế cứ mãi lập lại.”


Chúng ta xuất phát từ lòng tốt, nhưng rồi tự nhiên tiếp tay cho điều không hay.

Chúng ta sẽ mãi là những người ngoài cuộc, và việc chúng ta là xoa dịu nạn nhân để họ củng cố thêm niềm tin rằng “họ không có sự lựa chọn và cuộc đời thật là bất công với họ”.


Suy nghĩ này làm tôi chợt nhớ đến đoạn đối thoại của Miranda với Andrea khi trong xe hơi và Andrea tỏ vẻ không giận dữ với việc Miranda đã dùng Nigel - một trong những cận thận của bà, làm “chốt thí” để giữ vững địa vị của mình ở Runway. Miranda, một cách hết sức từ tốn đã trả lời rằng “Thật ra cưng cũng đã làm điều tương tự với Emily đó thôi!”. Andrea ngay lập tức nói rằng “Tôi không có sự lựa chọn nào khác!”. Miranda lại từ tốn nói “Không, không, cưng có sự lựa chọn chứ, cưng chọn nhận lấy cái cơ hội này, để có được cuộc sống mà cưng muốn. Và đó là một sự lựa chọn!”. Câu nói đó khiến Andrea chợt bừng tỉnh và quyết định rời đi. Cô biết được rằng đã đến lúc mình nên chấm dứt vai diễn “nạn nhân”.




Câu hỏi đặt ra là tại sao người ta lại có xu hướng chọn vai “nạn nhân” trong cuộc đời này (*).

Trước hết, việc đó giúp họ không phải đối mặt với vấn đề của bản thân. Như tôi đã từng nói, và nói rất nhiều lần, thành thật với bản thân mình là một trong điều khó khăn nhất trong cuộc đời này.

Tiếp theo là khi ở vị trí “nạn nhân”, họ sẽ nhận được sự quan tâm, chia sẻ của người khác. Một cách để khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tích cực từ những người xung quanh. Giống như đứa bé, mỗi khi khóc đều được cho kẹo, nhiều lần như thế, đứa bé sẽ biết khi cần có kẹo thì nó sẽ phải làm gì.

Cái cuối cùng, là hệ quả của hai cái trên. Giảm thiểu trách nhiệm của mình trong vấn đề. Nhận trách nhiệm không phải là một đặc tính có sẵn của con người mà nó được hình thành và rèn luyện từ nhiều yếu tố như nền tảng gia đình, giáo dục và môi trường sống. Để hạn chế tối đa việc nhận trách nhiệm, người ta sẽ dùng tối đa năng lực để vào vai “nạn nhân”.

Vậy thì phải chăng đã đến lúc tôi và các bạn, chúng ta, trong những tình huống nhất định, cần ngưng vai diễn của “kẻ ngoài cuộc” để những “nạn nhân” có thể thật sự nhìn ra vấn đề của mình, hoặc chí ít chúng ta sẽ không phải xem mãi những phân cảnh được lặp đi lặp lại.

Giả dụ như:


“Khi nào mày có chồng rồi thì mày sẽ hiểu!” hay “Khi nào mày yêu đi rồi sẽ hiểu!”

“Yên tâm, chồng tao chắc chắn sẽ không như chồng mày hoặc người đó sẽ không như vậy khi nó lấy tao!” - câu này nhỏ bạn tôi nói chứ không phải tôi, nhưng tôi đồng tình nên xin mạn phép đưa vào.


Hay


“Khi nào mày ở địa vị của tao đi rồi mày sẽ hiểu!”

“Với tính cách của tao thì tao sẽ không để mình trong tình huống đó, hoặc nếu nó xảy ra, sự lựa chọn của tao sẽ là...!”.


Căng nhỉ!


Nói năng như thế thì liệu có làm ảnh hưởng đến mối quan hệ không?


Câu hỏi đặt ra là:


Chúng ta có thật sự cần những mối quan hệ như thế không? Mối quan hệ của những vai diễn: “Kẻ ngoài cuộc và Nạn nhân”


Đó thật ra cũng là một sự lựa chọn.


(*) Lưu ý: Từ “nạn nhân” ở đây được sử dụng để nói về những “nạn nhân tâm lý chủ động” - nghĩa là những người có đủ nhận thức về vấn đề nhưng không thoát ra được vai diễn “nạn nhân” của mình. Người viết hoàn toàn và không bao giờ có ý đề cập đến những “nạn nhân bị động về thể xác và tinh thần” vì những sự việc nằm ngoài ý muốn hoặc khả năng kiểm soát của họ.


  • Credit:

1. Bài viết của Duy Tran: https://www.facebook.com/jonathannguyen149

2. Tác phẩm "Tears" của Huey: https://www.facebook.com/trunghieu.truongtran



134 views0 comments

Related Posts

See All

Comments


bottom of page