top of page
Writer's pictureiamhere

LÀM VĂN HOÁ NGHỆ THUẬT CHO PHẦN ĐÔNG CÔNG CHÚNG?

Updated: Mar 13, 2024

“Làm văn hoá nghệ thuật chỉ cần được công chúng (số đông) đón nhận là thành công/là được.”


Gần đây tôi nghe nhiều và đọc nhiều những ý kiến tương tự như vậy.


Đúng nhưng chưa đủ.


Làm văn hoá nghệ thuật còn phải giúp công chúng “khai mở”, “nâng cao” khả năng cảm nhận nghệ thuật ở cấp độ cao hơn, nhìn văn hoá ở góc độ đa chiều, kích thích trí tưởng tượng, thậm chí là buộc người ta phải căng não mà suy ngẫm. Và đó chính là một trong những vai trò qua trọng nhất của văn hoá nghệ thuật.

Nhóm nội dung này ban đầu có thể dành cho số ít công chúng, nhưng khi số ít công chúng đó tạo ra sức ảnh hưởng cho số đông (cùng với sự giúp sức của các kênh truyền thông, các nhà phê bình cứng rắn), để số đông đi theo, hiểu và đón nhận những sản phẩm cấp tiến đó, khi đó văn hoá nghệ thuật mới thực hiện trọn vẹn vai trò của nó, khả năng cảm nhận các tác phẩm văn hoá nghệ thuật của công chúng được cải thiện.

Dân trí đi lên.

Tài năng trẻ có cơ hội phát triển, nhà sản xuất, biên kịch, diễn viên buộc mình phải trau dồi và nâng cấp để tương xứng với mong đợi của công chúng lúc đó.

Nó là một chuỗi tương tác, một cỗ máy vận hành có định hướng và chiến lược để thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh phát triển và nâng cấp chất lượng của các tác phẩm văn hoá nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng.


Người làm văn hoá nghệ thuật không chỉ vì công chúng mà còn vì cái tôi nghệ sỹ của họ, cái tầm nhìn, tư tưởng và tâm tư làm nghề của họ.

Công chúng không chỉ là người nuôi sống nghệ sỹ, mà công chúng cũng sẽ được hưởng lợi từ chính tác phẩm chất lượng của người nghệ sỹ. Giúp tâm trí của họ khai mở, giúp tư duy được nâng cấp, giúp cái nhìn trở nên đa chiều. Điều đó chắc chắn cũng giúp cho cuộc sống cá nhân của họ được cải thiện đáng kể.


Vì thế, vai trò và vị thế của người nghệ sỹ và công chúng là ngang nhau, không ai đứng trên ai.

Nói về sự lựa chọn, hẳn nhiên, phần lớn công chúng sẽ đón nhận những tác phẩm cảm thấy gần gũi, quen thuộc với mình. Đó là điều dễ hiểu, hoàn toàn thích đáng. Chúng ta luôn có thói quen lựa chọn những gì thân thuộc vì cảm giác an toàn, dễ hiểu, dễ kết nối với mình. Điều này còn thể hiện trong cách đưa ra quyết định và  sự lựa chọn của mỗi người trong đời sống thường ngày. Nhưng những điều quen thuộc đó cũng chính là cạm bẫy, khiến ta nhìn cuộc sống một chiều, khiến ta thấy vậy là đủ và bỏ qua những điều thú vị, đẹp đẽ, hay ho khác trong cuộc sống.

Thiếu đi những thử nghiệm mới, thiếu đi những khám phá mới, thiếu đi những cái nhìn mới, những trải nghiệm mới sẽ khiến cho tâm trí của ta thu lại, hạn hẹp và cục bộ - dừng lại ở việc “giải trí” là đủ.


Văn hoá nghệ thuật và điện ảnh nói riêng, chưa bao giờ và cũng không nên dừng ở hai chữ “giải trí”.


Nếu chỉ dừng ở đó, thế giới điện ảnh hẳn bây giờ rất khác. Các nhà phê bình điện ảnh cũng không có nhiều cơ hội để thể hiện tài năng viết lách và quan điểm nghệ thuật của mình. Nhà làm phim sẽ không có nhu cầu làm ra những tác phẩm điện ảnh đi tranh giải, sẽ chẳng có Oscar, Bafta, Cannes, cũng không có sự phát hiện, tung hô những tài năng mới, các diễn viên sẽ không cần buộc mình phải biến hoá, phải dấn thân, phải tăng ký, giảm cân, học ballet, học chỉ huy nhạc giao hưởng, học diễn bằng mắt, bằng cái mím môi, cái bấu tay chứ không phải bằng ngôn từ tuôn ra cho việc giải thích.


Điện ảnh - nếu chỉ dừng ở hai chữ “giải trí” sẽ rất khác, và chúng ta, những người xem phim điện ảnh cũng sẽ rất khác. Khác từ đời sống tinh thần đến tư duy và hành vi trong cuộc sống mỗi ngày.

Một tác phẩm điện ảnh có thể chạm được trái tim, giúp người ta thôi lạc lối, giúp người ta can trường vượt qua sóng gió, giúp người ta học cách yêu bản thân và yêu đời, giúp người ta chiêm nghiệm những bài học cuộc sống và thậm chí cứu lấy họ khỏi ý nghĩa kết thúc cuộc đời mình. Một tác phẩm điện ảnh có giá trị nhiều hơn là hai chữ “giải trí”.


Tác phẩm mang tính giải trí, đạt doanh thu cao thì không thể là một tác phẩm nghệ thuật?

Cuốn Theo Chiều Gió

Bố Già

E.T

Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn - Sự Trở Lại của Vị Vua

Kỵ Sỹ Bóng Đêm

Barbie

Oppenheimer

Những phim này là phải “giải trí đơn thuần” hay “phim nghệ thuật”?

Và còn nhiều ví dụ khác.




Sẽ luôn có người nói rằng “Cái đó là thế giới, là Tây là Mỹ, sao mà so được, ở Việt Nam như vậy là tốt rồi!”.


Đồng ý, điện ảnh trời Tây và các nước phát triển trong châu Á so với nền công nghiệp điện ảnh non trẻ của nước nhà là một khoảng cách rất xa (chắc phải tính bằng năm ánh sáng). Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta không làm ra được những sản phẩm điện ảnh chất lượng.


“Ở Việt Nam như vậy là tốt rồi!”. Nhưng chắc gì đã tốt hơn những gì mình đã làm được?  Tốt hơn Đời Cát, Áo Lụa Hà Đông, Scandal, Dòng Máu Anh Hùng v.v.v…. Gần đây may mắn thay có Đêm Tối Rực Rỡ và Những Đứa Trẻ Trong Sương. Nhưng như thế liệu có đủ không? Liệu có phải là một bước đi của sự phát triển không? Liệu những con số doanh thu trăm tỷ, nghìn tỷ đó có cho thấy những tín hiệu khả quan, sự phát triển của một nền điện ảnh, một nền điện ảnh vẫn được xem là non trẻ từ chục năm trước và đến giờ vẫn như thế, như đứa trẻ mãi nằm ê a chứ không nhất quyết không chiụ trở mình để lật, để bò chứ khoan nghĩ đến để đi, để chạy. Nhưng vì sao đứa trẻ cứ mãi ê a, không chịu trở mình? Vì tất cả những người xung quanh đều xoay quanh và ngợi khen, xinh quá, cưng quá, đáng yêu quá, giỏi quá, nên thôi cứ vậy, việc gì phải trở mình cho khó khăn.


Vậy để một đứa bé chịu trở mình, học lật, học bò, học đi thì ai sẽ là người đóng vai trò quan trọng nhất cho sự phát triển đó, ai là người cản trở nhất?


Chừng nào cứ mãi “như vậy là tốt rồi, như thế là giỏi rồi!” thì khi đó mọi câu chuyện sẽ mãi quẩn quanh ở xóm làng, những số phận thân quen, những nhân vật mô phạm và những diễn viên thích nói hơn là hoá thân.


Tất nhiên sự thành công của một bộ phim với doanh thu vài trăm tỷ là một nỗ lực đáng ghi nhận của cả một ekip. Đó cũng là một dạng tài năng xứng đáng được ghi nhận, công nhận. Không một ai có quyền phủ nhận điều đó và cũng không nên như thế. Và con số doanh thu khổng lồ đó cũng phần nào cho thấy khả năng sẵn sàng chi trả của công chúng và là một tiềm lực tài chính quan trọng cho bất kỳ nhà làm phim nào nghĩ đến chuyện dấn thân vào những thử nghiệm mới, kịch bản mới (hy vọng vậy!).


Tuy nhiên, khi tất cả những bộ phim với doanh thu hơn nghìn tỷ đó thống trị hệ thống rạp (vốn chỉ quan tâm đến vấn đề lợi nhuận mà không quan tâm đến sự phát triển của một nền điện ảnh của một nước) thì liệu đó có phải là một dấu hiệu đáng mừng? Liệu nó có phải là một cơn sóng ngầm nhấn chìm cơ hội của những tài năng, tác phẩm khác cần được sống, cần được hỗ trợ. Ai sẽ là người quyết định sự tồn tại cho sự đa dạng của một nền điện ảnh - vốn là điều rất quan trọng cho sự phát triển của nó và đặc biệt quan trọng cho mảng văn hoá nghệ thuật.

Công chúng là người sẽ quyết định?

Nhà làm phim sẽ là người quyết định?

Cơ quan chức năng sẽ là người quyết định?

Hay hệ thống rạp là người quyết định?

Tôi chưa biết câu trả lời và tôi thật mong tìm thấy câu trả lời.



  • Credit:

Bài viết của Duy Tran: https://www.facebook.com/jonathannguyen149




103 views0 comments

Related Posts

See All

تعليقات


bottom of page