top of page
Writer's pictureiamhere

NGƯỜI ĐẶT CÂU HỎI

Công việc chính của mình là phát triển chiế lược (strategic planning) truyền thông (communication) cho các công ty và thương hiệu trong hơn 10 năm nay. Với đặc tính công việc đó, nên mình phải đọc rất nhiều thông tin và từ quá trình đọc nhiều thông tin, mình phải tự rèn luyện cho mình kỹ năng đặt câu hỏi.


Đọc brief của khách hàng, đặt câu hỏi.

Đọc các báo cáo của khách hàng, đặt câu hỏi.

Đọc các thông tin về tâm lý và hành vi tiêu dùng của đối tượng mục tiêu, đặt câu hỏi.

Khi brainstorm, đặt câu hỏi.

Khi ngồi ráp bài hay rehearsal, đặt câu hỏi.

Khi trình bày ý tưởng, đặt câu hỏi.

Trong quá trình triển khai, đặt câu hỏi.

Xem báo cáo tổng kết, đặt câu hỏi.


Việc đặt câu hỏi, theo cá nhân mình, đóng vai trò cực kỳ quan trọng để có thể đưa ra một chiến lược, một định hướng, một ý tưởng được liên kết chặt chẽ từ đầu đến cuối. Vì quá trình đặt câu hỏi, như bạn thấy, nằm ở khâu bắt đầu cho đến khi kết thúc. Nếu không có những câu hỏi trong từng quá trình, mọi thứ sẽ dễ dàng bị đứt gãy ở một giai đoạn nào đó. Tính liên kết ở đây được thể hiện ở chuyện dung hoà tất cả các nguồn thông tin đang có để đưa ra một chiến lược “có vẻ” sẽ hiệu quả với những lý luận chặt chẽ. Ở đây không nói đến một chiến dịch chắn chắn thành công vì mọi chiến dịch đều có thể sẽ phải đối mặt với những biến số không lường trước được và hiệu ứng domino hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, mới cần đến công việc gọi là giải quyết khủng hoảng truyền thông.

Chính vì là người phải tự đặt câu hỏi từ quá trình xây dựng chiến lược đến khi brainstorm hay trình bày ý tưởng nên mình hay được mệnh danh “idea killer” vì trong đầu mình khi đó có rất nhiều sự liên kết để đánh giá tính xác đáng và khả thi của ý tưởng đó. Tất nhiên, sẽ không tránh khỏi những lúc hơi thiên lệch (bias) nhưng khi xảy ra chuyện đó, mình tự biết sẽ điều chỉnh lại thế nào. Bài học lớn mà mình nhận ra được trong hơn 10 năm làm công việc này đó là thấy được tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi cho những thông tin có được. Không biết cách đặt câu hỏi hoặc đặt câu hỏi không tốt thì gần như chắc chắn mọi kế hoạch, đường hướng xây dựng, ý tưởng đều bị lỏng lẻo, thiếu cơ sở lý luận (rationale) và từ đó chắc chắn người nghe sẽ nghi ngờ khả năng thành công của chiến lược hay ý tưởng đó. Tất nhiên, không phải tất cả các câu hỏi đều có câu trả lời từ phía khách hàng. Tuy nhiên việc đặt câu hỏi tốt sẽ cho khách hàng thấy ba điều quan trọng.

  1. Mình hiểu, nắm thông tin.

  2. Mình biết được cần có thêm những thông tin gì quan trọng và khách hàng lần sau khi brief sẽ hiểu là cần bổ sung thông tin cần thiết này. Nó bắt đầu cho thấy vai trò của một agency, một partner và đặt biệt là ở vị trí của người làm chiến lược.

  3. Những câu hỏi không có câu trả lời, có thể cũng là một gợi ý cho chính bản thân khách hàng có mong muốn tìm kiếm câu trả lời và mình sẽ là người đồng hành cùng với họ.

Khi đi đào tạo hay hướng dẫn các đàn em ở vài nơi, bài học đầu tiên mình đề cập đó là đọc hiểu thông tin (digest information) và đặt câu hỏi (questioning). Chưa làm tốt được hai cái này thì đừng nghĩ đến việc có thể làm tốt những cái khác. Kỹ năng này là nền tảng cho tất cả các team. Và đó cũng chính là cách mà mình áp dụng trong quá trình làm việc với các em. Thông thường, khi bước vào một buổi brainstorm hay review một proposal hay nghe rehearsal, mình chỉ là người lắng nghe và đặt câu hỏi. Có những câu hỏi giúp mấy em phát triển ý tưởng tốt hơn, phần planning chặt chẽ hơn, có những câu hỏi kéo mấy em quay trở lại với vấn đề chính, và có những câu hỏi mình biết chắc luôn khi nói ra, các em sẽ phải làm lại bài.


Thành ra, vai trò của người đặt câu hỏi trong một tập thể, đội nhóm liên quan đến việc xây dựng chiến lược là cực kỳ quan trọng.

Mình yêu cầu luôn, trong team sẽ phải luôn có người đó, nếu không là anh thì phải là một ai đó, người chấp nhận mang đến cảm giác khó chịu cho những cảm xúc hồ hởi, mang đến những nguồn năng lượng tiêu cực cho sự phấn khởi trong ý niệm “sáng tạo”.


Người không ai thích nhưng chắc chắn là rất cần.


Tác phẩm chưa đặt tên của Oroku


Người chịu trách nhiệm đặt câu hỏi có khi phải đóng ở vai trò khách hàng, có khi phải đứng ở vị trí người tiêu dùng, có khi phải đứng ở vị trí người tiếp nhận thông tin, và có khi phải đứng ở vị trí người quản lý tổng thể để biết khả năng thực thi của team đến đâu, tránh tình trạng treo đầu dê bán thịt chó. Người đặt câu hỏi cần trung thực, kiên định, cân nhắc lợi ích của các bên và phải đặt lợi ích của bản thân mình ra bên ngoài. Chính vì vậy, những thành viên khác trong team phải ý thức được vai trò của họ mà bỏ qua những cảm xúc tiêu cực và hiềm khích không đáng có.


Vậy nên, lên chiến lược hay ý tưởng ở tầm đội nhóm, công ty hay chiến dịch ở tầm quốc gia, thì phải cần có một người đủ bản lĩnh để đóng vai trò người đặt câu hỏi trong từng quá trình, trong từng đội nhóm - những câu hỏi khiến người tiếp nhận phải khó chịu hoặc có khi cũng không có câu trả lời, nhưng ít ra cũng cho thấy được đang bất cập chỗ nào, đang thiếu hụt ở đâu, đang truyền thông thế nào, đang xác định mục tiêu chính nằm ở đâu. Nếu bảo vì thời gian cấp bách mà bỏ quan vai trò của người này thì rõ ràng sẽ dẫn đến sự thiếu thống nhất, lỏng lẻo từ việc đưa ra định hướng đến triển khai. Còn nếu đã có mà vai trò người đó mờ nhạt hoặc đặt câu hỏi chưa đủ tốt thì có thể tìm kiếm người khác để thay thế. Người giỏi đất Việt không thiếu, quan trọng có trọng dụng và đặt họ nằm ngoài lợi ích của các bên hay không. Vì không phải ai giỏi cũng cần lợi ích như mình vẫn nghĩ. Và những người giỏi trong việc thu nhận lợi ích cá nhân thì chưa chắc giỏi trong chuyên môn và năng lực.

Cộng đồng mạng, theo góc độ cá nhân của mình, đang làm rất tốt công việc này. Sự chất vấn, những phản hồi, những câu hỏi của họ chính là yếu tố quan trọng để phản ánh mức độ thực thi, triển khai và cả những quyết định quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến họ.

Họ chính là đối tượng khách hàng trong một chiến dịch truyền thông lẫn thi hành. Mạng xã hội là một công cụ để luồng thông tin được truyền đi giữa hai bên. Nên bảo rằng cư dân mạng chỉ biết nói, chỉ biết chửi bới, chỉ biết làm nhiễu, chỉ biết dạy là không đánh giá đúng vai trò của họ và của cả hệ thống các kênh truyền thông. Việc lọc thông tin nào đúng, thông tin nào không đúng, tiếng nói nào từ tâm can, tiếng nói nào gây nhiễu không phải là trách nhiệm và nhiệm vụ của khách hàng mà phải là từ phía công ty, thương hiệu hay bộ máy xây dựng chiến lược. Khi khủng hoảng truyền thông xảy ra, một thương hiệu, một ekip truyền thông không thể buộc khách hàng im miệng mà phải chi ra hàng tỷ đồng để dùng các công cụ thống kê, truy tìm, cần đến các chuyên gia để đọc số liệu, thống kế để đưa ra giải pháp.

Thành ra, thay vì mỉa mai những tiếng nói, những người chất vấn, những người đặt câu hỏi thì hãy cảm ơn họ vì sự tận tâm không buông rơi vai trò của mình. Không có họ, chắc chắn mọi chuyện sẽ còn tệ hơn.



Credit:


53 views0 comments

Related Posts

See All

Comments


bottom of page