Sự kiện hơn 300 sinh viên ngành y tế của Hải Dương vào Sài Gòn để hỗ trợ chống dịch đang tạo ra những luồng dư luận mạnh mẽ, trái chiều nhau mà khơi nguồn là từ phát ngôn của vài cá nhân đi cùng chiến lược truyền thông nâng tầm, khiến phần lớn những người con Sài Gòn cảm thấy khó chịu và cần phải lên tiếng. Trong đó có mình, mình cũng đã đóng góp không ít bài post trên newsfeed của mình về vấn đề này.
Trên Facebook của mình cũng có nhiều bạn bè, người em quen biết có những nội dung chia sẻ nỗi lòng của những người con miền Bắc đang sống và làm việc ở Sài Gòn khi chứng kiến những nội dung mang tính vùng miền. Vấn đề này, mình sẽ nói nhiều hơn ở phần sau.
Cá nhân mình biết đến sự việc này, như đã đề cập ở trên, là từ phát ngôn của hai cá nhân, sau đó là các bài báo PR cho sự “lên đường thần tốc” trên “đường Hồ Chí Minh trên không” để chiến đấu giúp “chiến trường miền Nam”. Dưới đây là những hình ảnh và nội dung cụ thể.
Nội dung đầu tiên là từ phát ngôn của PGS Trưởng khoa Y Dược ĐH Y Tây Nguyên:
Nội dung này sau khi nhận được sự phản đối và chất vấn của nhiều người, chị đã xoá post hoặc ẩn nó đi. Trong phát ngôn này của chị, một người có địa vị cao trong ngành y rõ ràng là đã không có sự tìm hiểu dẫn đến đưa ra một nhận xét phiến diện và sai lầm. Sự thật là sinh viên của các khối ngành y tế trong Sài Gòn đã tham gia vào công tác chống dịch từ những ngày đầu khi dịch bùng phát mạnh ở Tp. Hồ Chí Minh.
Hình ảnh bên dưới là lời kêu gọi của Phó Hiệu Trưởng Đại Học Y Dược TP.HCM được đưa ra vào ngày 23/06/2021. Nghĩa là trước khi các em sinh viên Hải Dương vào Sài Gòn hỗ trợ. Dù thực tế thì các em đã tham gia công tác này từ sớm hơn.
Phát ngôn thứ hai của một cá nhân phần nào đẩy câu chuyện lên một tầm cao mới.
Em Long này đã có một sự so sánh mà bất kỳ ai đọc vào, không phân biệt vùng miền, đều cảm thấy hài hước với sự thiếu suy nghĩ của em, và bất ngờ hơn khi biết rằng công việc của em không hề liên quan gì đến khối ngành y tế. Một người ngoài ngành, còn rất trẻ và có một phát ngôn như thế thì quả là một điều thú vị. Em này sau đó đã đăng lời xin lỗi vì phát biểu này của mình sau khi bị cộng đồng mạng tấn công. Câu hỏi đặt ra là: “Nếu không có sự giận dữ đó, liệu có xin lỗi không hay vẫn cho rằng suy nghĩ của mình là đúng!”
Nói đến nay, thì mình chắc chắn rằng sẽ có rất nhiều người bảo rằng, họ là những con sâu làm rầu nồi canh, vùng nào cũng sẽ có người thế này và người thế khác.
Tất nhiên, mình khi chia sẻ những nội dung trên cũng không quan tâm người đó là người vùng nào. Vì người vùng nào thì phát biểu như vậy cũng sẽ đối mặt với sự phản đối và phản ứng khó chịu từ phía người đọc.
Tuy nhiên, nếu câu chuyện chỉ dừng ở việc phát ngôn của vài người thì có lẽ mọi thứ sẽ không đi quá xa như vậy! Công sức lớn nhất để đẩy các em sinh viên Hải Dương vào tình huống dở khóc dở cười là từ sự hỗ trợ đưa tin của các kênh truyền thông, từ một kế hoạch truyền thống bài bản của các tập đoàn có liên quan trong việc hỗ trợ các em vào Sài Gòn. Tất nhiên, sự hỗ trợ và đồng hành của các doanh nghiệp trong thời điểm này là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, một kế hoạch truyền thông không được cân nhắc yếu tố văn hoá vùng miền hoàn toàn có thể tạo ra những phản ứng ngược. Những câu từ bên dưới là một trong những ví dụ cụ thể cho điều đó.
Hãy thử đặt mình vào vị trí của người Sài Gòn, bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Và cái sự giận dữ của mọi người như hiện nay nó đến từ đâu? Khi team truyền thông của các tập đoàn đó ngồi lại với nhau, họ đã nghĩ gì để đưa ra định hướng truyền thông như thế? Tại sao họ lại hoàn toàn bỏ qua yếu tố văn hoá vùng miền - cái điều căn bản nhất trong việc xây dựng kế hoạch truyền thông. Phải chăng cái định hướng đó khiến họ cảm thấy tự hào vì một điều gì đó, từ một vị thế nào đó? Và trụ sở chính của công ty đang được đặt ở đâu?. Ở đây mình chưa bàn đến việc trong số hơn 300 em đó, đã có những em nào có những phát ngôn thiếu cân nhắc trên mạng xã hội hay chưa vì mình cũng tin vào cái chuyện “một con sâu làm rầu nồi canh”, không phải em nào cũng vậy nhưng cũng không thể loại trừ cũng sẽ có những em có suy nghĩ như thế. Tư duy sẽ dẫn đến hành động.
Quay trở lại với việc truyền thông quá đà với những từ ngữ thiếu cân nhắc, dù muốn hay không, bạn cũng phải khách quan nhìn nhận rằng có sự ảnh hưởng của văn hoá vùng miền trong đó. Cách sử dụng những từ ngữ “nâng tầm” và đầy ẩn dụ đó luôn là một điểm nổi trội của văn hoá miền Bắc. Điều này được thể hiện rất rõ ràng qua các tác phẩm văn hoá - nghệ thuật, qua đẳng cấp của các người dẫn chương trình, qua các bài viết, qua các xây dựng và phát triển nội dung chương trình. Ở góc độ này, mình đánh giá miền Bắc - lấy đại diện là Hà Nội, vượt trội hơn hẳn miền Nam - lấy đại diện là Sài Gòn. Mình vẫn luôn nói với bạn bè rằng nghệ sỹ miền Bắc chất hơn và có chiều sâu hơn hẳn, cả về nội lực lẫn cách thể hiện bên ngoài. Có được thành quả như vậy, mình nghĩ phần lớn là nhờ vào sự xét nét, soi xét, nghiêm khắc của khán giả buộc người nghệ sỹ phải cố gắng thật nhiều để đáp ứng được mong đợi của khán giả. Nói ra như vậy, để mọi người thấy rõ mình không có vấn đề gì với chuyện văn hoá vùng miền. Vì chính cái văn hoá đặc trưng đó sẽ tạo ra những sự khác biệt, nổi trội của từng vùng. Không chỉ có văn hoá nghệ thuật, mà đồ ăn thức uống, cách ăn mặc, không khí, quang cảnh của Hà Nội tạo ra một cái màu rất riêng và mình rất yêu mến cái màu đó. Đến nỗi gần như mỗi năm mình đều phải vác thân ra Hà Nội ít nhất một lần chỉ để ăn và đi dạo. Mỗi lần ra đó, mình đều gặp những người bạn rất dễ thương, cũng mang một cái màu miền Bắc đậm đặc nhưng tạo cho mình cái cảm giác thoải mái và gần gũi khi gặp gỡ. Mỗi khi ra Hà Nội, mình đều rất tận hưởng và chưa gặp bất kỳ vấn đề gì liên quan đến văn hoá vùng miền. Tuy nhiên, có một điều không thể phụ nhận rằng, bản thân mình và rất nhiều bạn bè mình từ Sài Gòn ra chơi ở Hà Nội đều có một cảm giác phải hơi “ý tứ lại một chút”, phải nhìn trước ngó sau trước khi nói hay làm một cái gì đó, nhiều khi mình không chủ ý như vậy nhưng một cách bản năng, tự mình sẽ biết điều chỉnh lại, gọi nôm na là “nhập gia tuỳ tục”. Điển hình như khi mình vào quán ăn, mình chỉ vào gọi món một cách nhanh, gọn, lẹ nhất, mình cũng không nghĩ đến chuyện phải đòi hỏi yêu cầu gì thêm vì biết đâu, chẳng may, mình sẽ nói sai cái gì đó vì biết đâu những gì mình thấy bình thường ở Sài Gòn, ra đến đây thì lại không. Cái cảm giác và hành vi này chắc chắn sẽ không có ở Sài Gòn vì đây là nơi mình sinh ra và lớn lên, mình biết người ta sẽ bực vì điều gì và không để tâm điều gì. Mình còn nhớ có lần khi đi ăn miến lươn chung với một người bạn của mình ở Hà Nội, khi chị bán hàng có thái độ hơn khó chịu, bạn mình lập tức lớn tiếng hơn để dằn mặt lại liền và ngay lập tức chị kia cũng dịu xuống. Mình đã rất ngạc nhiên và hỏi liền ủa sao làm gì căng dữ vậy, tui thấy đâu có gì!. Bạn mình liền nói ngoài này vậy đó, phải nhìn mặt nhau, người ta tỏ thái độ với mình thì mình phải tỏ thái độ hơn thế để dằn lại, một kiểu để cân nhau xem bên nào cứng hơn. À hoá ra là vậy!
Điều này mình cũng được một đứa em khác, một người con sinh ra và lớn lên ở miền Bắc vào Sài Gòn sinh sống và làm việc gần đây. Nó bảo với mình rằng ngoài đấy ai mạnh miệng hơn, ai cứng hơn, ai biết cách lấn át hơn thì sẽ thắng thế. Dần dà nó trở thành một văn hoá rất riêng. Nhiều khi bạn bè ngồi nói chuyện với nhau thôi mà mình có cảm giác như sắp đánh lộn, sắp từ mặt nhau. Từ việc ngạc nhiên lúc đầu mình thấy quen thuộc về sau. Nghĩa là nhiều khi thấy nói chuyện hơn thua với nhau vậy đó, nhưng không có nghĩa là sắp từ mặt nhau thiệt. Nhưng đó là vì mình đã tiếp xúc đủ lâu và đủ nhiều để có thể cảm nhận được điều đó. Và chính vì phải cần thời gian và sự tiếp xúc đủ sâu, nên không thể đòi hỏi phần đông mọi người ở Sài Gòn sẽ phải cảm nhận cái nét văn hoá đó. Trong trường hợp này là những từ ngữ, câu chữ ở trên. Nên bảo người Sài Gòn đang quá xét nét, câu chữ là không công bằng vì thiếu đi sự nhìn nhận khách quan từ các yếu tố có liên quan.
Tuy nhiên, nếu bạn để ý, chịu khó để ý, người miền Bắc khi vào Sài Gòn sẽ không có cảm giác e dè, cẩn trọng một chút như người miền Nam ra thăm miền Bắc mà có khi sẽ ngược lại. Có thể tính tình cởi mở, thân thiện của người Sài Gòn không khiến cho bất kỳ vị khách nào cảm thấy mình cần phải cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói. Trong các cuộc nói chuyện bạn bè có đủ ba miền, là bạn có thể dễ dàng có nhiều ví dụ rất cụ thể minh chứng cho điều đó, nhất là hành vi ở những nơi công cộng. Ví dụ gần đây nhất là trong khu chung cư mình, có một anh kia đi dưới khu công cộng nhưng đã không đeo khẩu trang, khi được bảo vệ nhắc nhở thì anh bắt đầu chửi tục và thách thức theo kiểu một đàn anh. Video được chia sẻ trong group cư dân và tất nhiên mọi người đều rất bức xúc. Cá nhân mình cũng đã không ít lần chứng kiến những cảnh tương tự khi mà ngày càng nhiều hành trình “Nam tiến” vào Sài Gòn. Cái tư thế “đàn anh” đó, mình nghĩ không một người Sài Gòn nào cảm thấy thoải mái và chấp nhận, ngay cả những người miền Bắc văn minh chắc chắn cũng sẽ cảm thấy như thế. Tuy nhiên, cách hành xử đó, cho thấy phần nào cái văn hoá vùng miền được phảng phất trong đó. Hà Nội và Sài Gòn đều là vùng đất của những người con tứ xứ tìm đến để sinh sống và lập nghiệp. Nhưng không thể phụ nhận rằng cái nét văn hoá nó có ảnh hưởng rất lớn đến tư duy và cách cư xử, cách thể hiện ra bên ngoài.
Nhiều người đưa ra ý kiến rằng, không thể nhìn vào hành động của một nhóm người rồi phổ quát lên thành văn hoá vùng miền được. Nhưng sự thật là vậy! Việc chỉ cần mình tiếp xúc với vài người từ một nơi nào đó có cùng chung một cách cư xử, một cách nói chuyện, một cách hành động sẽ khiến mình có một cái nhìn định kiến từ khu vực đó.
Định kiến được hình thành từ trải nghiệm cá nhân được lập đi lập lại trong nhiều năm. Nó cũng giống như việc nhiều người Việt nói chung, hoặc người Việt từ một khu vực nhất định nào đó đi ra thế giới, làm những điều không hay để bị đưa lên báo, hay thậm chí nằm vào danh sách đen nhập cảnh của các quốc gia. Hành động đó cho thấy rõ việc một nhóm người hoàn toàn có thể tạo ra những định kiến nhất định về văn hoá vùng miền. Thay vì chúng ta cứ mãi nói với nhau “một con sâu làm rầu nồi canh” mà không nghĩ đến câu “tại sao sâu cứ ngày càng nhiều và để diệt bớt sâu thì phải làm gì?”.
Vậy nên thay vì bất ngờ, đánh giá sự giận dữ, bực bội của người Sài Gòn với những ngôn từ và cách đi truyền thông như thế, sao không đặt vấn đề tại sao họ là phản ứng như vậy, tại sao câu chữ, ngôn từ không được cân nhắc yếu tố văn hoá vùng miền lại phải được bỏ qua, tại sao người Sài Gòn phải chấp nhận cái giọng điệu, tư thế “đàn anh, kẻ cả” đó? Nói như thế thì có khi lại bảo là “hẹp hòi” và “xét nét”. Nhưng xét về ý nghĩa của hai từ đó thì mình nghĩ chắc chắn nó không đúng với người Sài Gòn nói riêng và người miền Nam nói chung.
Việc lên tiếng, phản đối cho biết rằng từ đây về sau, khi làm một điều gì đó cho Sài Gòn hãy làm với một cái tâm sáng nhất vì người Sài Gòn cảm được hết.
Làm và đừng đưa giọng điệu đàn anh, kẻ cả, đừng có nâng tầm vị thế của mình. Mấy cái đó trong đây người ta không có ưa. Không ưa thì người ta sẽ lên tiếng và lên tiếng như thế nào thì tuỳ thuộc vào suy nghĩ và trình độ của mỗi người. Đòi hỏi tất cả mọi người phải thể hiện một sự giận dữ một cách văn minh, tinh tế thì chẳng khác nào đòi hỏi một xã hội công bằng 100%, điều đó gần như là không tưởng. Vì thực tế bây giờ là một sự thiên lệch rõ ràng chứ đừng nói đến tiệm cận công bằng. Đó là chưa kể xét về văn hoá “chửi”, nghệ thuật “chửi” thì mình nghĩ không phải thế mạnh của người miền Nam. Tuy nhiên, như hàng chục năm nay sau ngày thống nhất đất nước, người Sài Gòn chưa bao giờ dám lên tiếng, than vãn, kêu ca, có buồn, có tủi, có bực thì cũng chỉ nghĩ trong đầu, không dám nói lên sợ người ta bảo mình hẹp hòi mà đó không phải là cái tính của mình. Sài Gòn vẫn dang tay chào đón những người con của tất cả mọi nơi đổ về, trong đó có cả những người con miền Bắc. Thành ra bảo rằng người Sài Gòn kỳ thị vùng miền là không đúng, nhưng nói thấy buồn và nhiều khi thấy bực thì có, nhưng cái bực nào cũng có lý do của nó, chứ không phải kiểu rảnh quá cái ngồi bực không không. Nếu bạn là người có những người bạn từ mọi miền đất nước, khi tụ họp cùng nhau trong một bàn ăn, cảm giác vùng miền chắc chắn không tồn tại ở đó, chỉ có tình bạn, thậm chí xem nhau thân thiết như anh em. Nhiều người xem đây là ngôi nhà thứ hai của mình để an cư lạc nghiệp. Có đôi lúc, mình có hỏi họ là có khi nào nghĩ đến việc quay trở lại Hà Nội để sinh sống không. Phần lớn đều trả lời là không và nói thêm là vì không còn thích hợp với cái nếp sống đó nữa.
Bởi vậy nếu bảo Sài Gòn kỳ thị vùng miền thì chắc chắn là không đúng vì nếu có cái sự kỳ thị đó trong đời sống mỗi ngày thì làm sao những người con được sinh ra và lớn lên ở miền Bắc có thể sống thoải mái và tự do phát triển bản thân mình được.
Thay vì kêu gọi, đánh giá cái sự giận dữ của người Sài Gòn thì hãy hiểu cho họ tại sao lại như thế và đừng quên đưa vào đó yếu tố văn hoá vùng miền. Câu chuyện này rồi cũng sẽ qua như bao câu chuyện khác, người Sài Gòn rồi sẽ bỏ qua (chứ không quên) để mà còn chú tâm vào những chuyện quan trọng khác, trong đó quan trọng nhất là việc chống dịch hiện giờ và tiếp tục đóng vai trò là trung tâm tài chính kinh tế của cả nước.
Chợt nhớ lại câu chuyện cách đây không lâu về việc “giải cứu vải thiều Bắc Giang”, người Sài Gòn hăng hái giải cứu xong 2 tuần sau được tin thôi làm ơn đừng giải cứu nữa, đây không cần. Coi có bực không? Bực chứ! Có vấn đề về văn hoá vùng miền không? Có chứ! Nhưng rồi lần sau nếu có ai kêu cứu cái gì đó, người Sài Gòn chắc sẽ cứu thôi hoặc cứu nhưng có cảnh giác hơn vì ai rồi cũng phải khôn ra đôi chút. Chứ vừa kiếm tiền giỏi mà vừa không khôn ra thì người ta chửi mình ngu rồi cười khà khà vô mặt. Đâu có được!
Người Sài Gòn thà nhắm mắt làm ngơ để bị lợi dụng đôi chút chứ không có để cho người ta coi thường.
Trời Sài Gòn những ngày chống dịch. Hình chụp bởi Lai Nguyen
https://bit.ly/3blWPMc
Comments