(Tác phẩm: Một cái nhìn tử tế của Giangdraw)
Người tử tế thì thời nào cũng đáng quý. Nhưng thời này thì chắc cái sự quý phải nhân lên 80 lần. Vì sao? Vì ai cũng nói xã hội bây giờ nhiễu nhương quá, Thạch Sanh thì ít mà Lý Thông thì nhiều. Con người bị cuốn theo những giá trị vật chất, bề ngoài nên có thể dùng mọi chiêu trò, thủ đoạn để đạt được điều đó. Chính vì thế mà cụm từ “sống tử tế” trở thành một trào lưu.
Ơ hay, nếu thật sự thành một “trào lưu” thì quá tốt cho xã hội còn gì? Một trào lưu đáng được hoan nghênh, cổ vũ.
Thế nhưng cái hay ở chỗ không phải ai nói mình sống tử tế sẽ thật sự sống tử tế.
Nếu xem sự tử tế là bản chất của một người thì việc sống tử tế sẽ diễn ra một cách tự nhiên trong mọi tình huống và đối với mọi người.
Nhưng nếu sống tử tế trở thành một xu thế, thì hoặc người ta chỉ nói (trên mạng) mà không làm (ngoài đời), hoặc người ta lựa chọn người để mình “tử tế” (vì lợi ích) hoặc người ta cân nhắc trong tình huống đó nên “tử tế” thì sẽ tốt hơn cho bản thân.
Và sự biến tướng muôn hình vạn trạng của sự tử tế cũng bắt đầu từ đó.
Để nhận ra sự biến tướng cũng như để giúp bản thân tránh khỏi nó, trước tiên chúng ta cần hiểu ý nghĩa của sự tử tế và sống tử tế.
Theo định nghĩa Hán Việt thì sự tử tế chính là sự cẩn trọng trong từng chi tiết một, nói dễ hiểu là làm tới nơi tới chốn và kỹ càng trước sau như một.
Không hiểu bắt đầu từ khi nào, trong đời sống, người ta tặng thêm “tử tế” ý nghĩa là lòng tốt, một cách đối xử tình cảm, có trước có sau, có nhân lễ nghĩa trí tín giữa người với người.
Cho nên sống tử tế nên được hiểu bao gồm cả hai ý nghĩa trên: trong công việc và trong đối nhân xử thế. Vì thật ra, cả hai điều này đều có quan hệ mật thiết với nhau.
Bạn không thể miệng thì nói đối xử tử tế với một người hay bình thường chị chị em vui vẻ thuận hoà nhưng khi làm việc chung thì cẩu thả, đùn đẩy trách nhiệm, thấy phần hơn là năng nổ giành lấy.
Bạn cũng không thể nói rằng mình sống tử tế dù làm đúng/làm tròn/làm xuất sắc phần việc của mình nhưng lại làm ngơ hay bỏ qua yếu tố tình người trong quá trình thể hiện xuất sắc đó của mình.
Và đó chính là phần khó khăn nhất của sự tử tế,
vì bản chất của sự tử tế chính là sự cho đi chứ không phải nhận lại.
Mà sống như thế ở xã hội này sẽ được gắn mác là ngu, khờ, dại. Nghe cũng chua xót nhỉ!
Vậy thì làm sao để sự tử tế không bị lợi dụng hoặc được nhân danh để che lấp sự biến tướng của nó.
Có một combo như sau để mọi người thử cân nhắc:
Sự tử tế chính là nguồn năng lượng tích cực bên trong bạn, khuyến khích bạn làm những điều tử tế. Nó như một dòng sông lặng lẽ không bao giờ cạn kiệt, nuôi dưỡng tâm hồn bạn bằng sự bình yên và trong sạch.
Sự kiên định sẽ như chiếc la bàn, liên tục nhắc nhở bạn là ai, giúp bạn định vị mình đang ở đâu, xung quanh mình đang có những điều gì. Sự tự nhận thức giá trị của bạn thân chính là một vũ khí vững vàng giúp bạn chống lại những điều không tử tế!.
Và cuối cùng là tư duy phản biện (critical thinking) sẽ là ngọn hải đăng để dẫn đường cho bạn nhờ vào việc quan sát sự vật, sự việc, con người, tổng hợp và liên kết thông tin.
Ba yếu tố này giống như chiếc kiềng ba chân, giúp bạn trụ vững khi cần thiết, để quan sát, để cảm nhận mọi thứ đang diễn ra xung quanh để từ đó sự tử tế của mình không bị rút cạn bởi những người không tử tế nhưng luôn miệng nói mình tử tế.
Câu hỏi tiếp theo là:
“Làm thế nào để biết được một người có thật sự tử tế hay không?”.
Có vài bí kíp dung dị như sau:
1. Những người hay nói đạo lý trên mạng thì thường (chứ không phải tất cả) sẽ không được tử tế cho lắm (chứ không phải người xấu). Vì người sống tử tế thật sự họ sẽ không còn nhu cầu đề cao sự tử tế của bạn thân hoặc quá bận vì dành thời gian làm điều tử tế hoặc thấy những điều tử tế mình làm bình thường như cân đường hộp sữa.
2. Hay xúi bạn (hay người khác) làm điều không tử tế để đạt được gì đó. Và cách họ giải thích, diễn dịch cho bạn cảm giác đó là điều rất bình thường, ai cũng làm, bạn không làm thì cũng sẽ có người khác để làm.
3. Hay dùng những từ ngữ hoa mỹ, nhân danh nhiều thứ để thuyết phục người khác đi theo, hoặc nghe theo để đạt mục đích của mình. Trái lại người tử tế thật sự họ suy nghĩ rất đơn giản, nhìn đúng vào bản chất của vấn đề, không thích đi vòng vo, càng không muốn giải thích dài dòng, họ muốn chứng mình bằng hành động, bằng quá trình làm việc và cách xử lý vấn đề khi có biến cố, khi phải lựa chọn.
4. Và cuối cùng, người tử tế chắc chắn là người không bao giờ hơn thua, hung hăn, thích thể hiện, thích dùng những từ ngữ để hạ người khác xuống, nâng bản thân lên cho dù trong bất kỳ tình huống nào, địa vị nào.
Sơ sơ bốn cái vậy đó, để khi nào nhớ thêm sẽ bổ sung sau.
Tóm lại, sự mâu thuẫn trong “sống tử tế” xuất phát từ sự mâu thuẫn giữa những hình mẫu được đề cao trong xã hội với bản chất tham — sân — si của loài người.
Thế nên người ta phải dùng cách đánh tráo khái niệm, hoặc thể hiện nó dưới những chiếc mặt nạ khác nhau để hoàn thành vai diễn đẹp đẽ của mình.
Âu cũng là một nghệ thuật đỉnh cao.
#kindness #humanbeing #societyissues #iamhere #opinion #letmotherspeak #sumauthuancualoainguoi #theparadoxofthehumanbeing #giangdraw
Credit:
Bài viết của Duy Tran: https://www.facebook.com/jonathannguyen149
Tác phẩm “Một cái nhìn tử tế” của Giangdraw: https://www.facebook.com/dennisgiang
コメント