Sự tự huyễn hoặc - Self-Deception (n.)
+ Cambridge dictionary: the act of hiding the truth from yourself - việc che giấu sự thật từ trong chính bản thân - sự tự dối bản thân.
+ Collins dictionary: involves allowing yourself to believe something about yourself that is not true, because the truth is more unpleasant. - tự cho phép bản thân mình tin vào một điều gì đó thuộc về bản thân nhưng không đúng sự thật vì sự thật thì khiến bạn không “dễ chịu”.
Từ khi bước chân ra khỏi cuộc sống của những chiếc hộp, tôi có nhiều thời gian để suy nghĩ về bản thân và nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Một phần là để giết thời gian, luyện tập cho bộ não của mình còn được hoạt động, một phần vì tôi cũng tò mò muốn biết bản thân khi dấn thân vào một vùng đất mới thì sẽ phản ứng với những điều đang diễn ra ngoài kia như thế nào? Đó là vừa là một lời nhắc nhở bản thân cũng là một kiểu sở thích. Thế nên, đôi lần tôi cũng nhận được vài lời nhận xét kiểu như từ khi làm tự do rồi thì cũng “mạnh miệng” hơn khi phát biểu ý kiến về vấn đề gì đó. Tôi đồng ý là như thế. Có người sẽ coi đó là một điều tiêu cực, có người sẽ nghĩ đó là sự thẳng thắn, phần lớn sẽ nghĩ đó là “giọng mẹ”. “Giọng mẹ” - hai từ này nghe cũng hay ho, thế nên tôi chọn luôn nó như một tính từ thể hiện cái nhìn riêng của mình. Quay trở lại về sự thay đổi trong cách phát biểu như nhiều người nhận thấy, mỗi khi nhận được lời nhận xét như thế, tôi đều cười vì ở góc độ bên ngoài, suy nghĩ đó là điều dễ hiểu. Tôi trả lời rằng: “Thật ra là tôi suy nghĩ như thế trước giờ đấy, nhưng môi trường cũ không cho phép tôi nói hoạch toẹt ra những điều như thế. Không phải vì sợ mà là vì ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong một tổ chức. Mình nhận lương của người ta thì mình phải biết điều mà cư xử”. Và cũng từ đó, tôi chợt nhận ra, khi nào mình còn lệ thuộc vào một điều gì đó, nghĩa là mình đang dần đánh mất đi một phần tự do, ví dụ như tự do phát biểu.
Tác phẩm "Conversation" của Huey
Hôm nay vô tình đọc được một bài dịch phỏng vấn của nhà triết học Byung-Chul Han qua bài chia sẻ của một người bạn. Tôi đọc say mê và thán phục. Say mê vì sự đồng điệu, thán phục vì cách dẫn dắt giúp ta nhìn ra bản chất vấn đề một cách dễ hiểu nhất. Nhân đây cũng phải cám ơn người dịch bài đã làm rất tốt phần dịch so với bản gốc mà tôi tìm đọc sau đó.
Những bài viết thế này, một cách tình cờ, khiến tôi luôn nhìn lại chặng đường mà mình đã đi qua - nói một cách văn chương là hành trình tìm lại chính mình, nói một cách bình dân là giải thoát khỏi sự khổ - cái khổ của việc phụ thuộc vào tiền bạc, địa vị, vật chất, dùng những cái đó để tạo ra niềm vui và động lực cho mình mỗi ngày, cái khổ của sự bế tắc trước những điều không hợp lý (theo góc nhìn của mình) và không thể làm gì khác, cái khổ của việc không thể làm ngơ và vờ như mọi chuyện không có gì xảy ra và miễn rằng mình vẫn ổn. Đó là một sự đấu tranh liên tục giữa những cái đang có và tiếng nói bên trong, khi thì âm ỉ, lúc thì cuộn trào. Tôi không biết với những người khác sẽ thế nào, nhưng với cá nhân mình - đó là một nỗi đau từ sự giằng xéo bên trong giữa sự tự trói buộc bản thân mình bằng những sợi dây vô hình và hữu hình với mong muốn có được một cuộc sống nhiều màu sắc từ những trải nghiệm mới.
Theo như bài viết của ngài Byung-Chul, thì gần như chúng ta - những con người trong xã hội đương thời, đã không còn sự tự do, đặc biệt là tự do tâm trí, nhất là khi sự bùng nổ của mạng xã hội và kỷ nguyên công nghệ cho phép con người ta tự do thể hiện bản thân nhiều hơn, kết nối nhiều hơn. Quả là một điều nghịch lý. Được tự do thể hiện bản thân mình nhưng lại không còn tự do về mặt tâm trí? Vậy thì đâu mới là gốc rễ của vấn đề? Đơn giản thôi, câu trả lời nằm ngay ở một trong những phần quan trọng của con người - bộ não với khả năng hình thành nên sự tự huyễn hoặc để xoa dịu bản thân mình. Mỗi cá nhân chúng ta hoàn toàn ý thức được sự lệ thuộc của mình vào mạng xã hội, vào công nghệ không chỉ về mặt hành vì mà còn về mặt tâm lý, nhưng vì những lợi ích của nó mang lại, bao gồm cả lợi ích của việc thể hiện bản thân, thế nên chúng ta tự lập trình cho bộ não của mình rằng phần lệ thuộc là phần phụ, phần lợi ích sẽ là phần chính.
Sức mạnh của sự huyễn hoặc không chỉ được thể hiện trong ví dụ nêu trên mà xuất hiện gần như trong tất cả các khía cạnh trong cuộc sống nếu chúng ta dành thời gian để quan sát và suy ngẫm.
- Sự lãnh đạo (leadership), danh xưng (title), địa vị - vị trí (position), giải thưởng (awards), sự ghi nhận (recognition)
- Tình yêu (love), mối quan hệ (relationship), cam kết (commitment), thuỷ chung (faithful), thành thật (honest), đến khi răng long đầu bạc (till the end of life).
- Thành công (success), hạnh phúc (happiness), tử tế (kindness), lựa chọn (choices), tự do (freedom)
- Sáng tạo (creativity), khác biệt (differentiation), đột phá (breakthrough), sáng kiến (innovation), đổi mới (transformation)
v.v.v…
Tất cả những từ khoá trên đại diện cho phần lớn những khía cạnh quan trọng trong cuộc sống, và nếu bạn đủ thành thật với bản thân mình, bạn sẽ thấy ít nhất cũng vài ba từ khoá mang hình bóng của sự tự huyễn hoặc so với bản chất thật sự của nó.
Giả dụ như bản chất của tình yêu là không thay đổi nhưng định nghĩa về tình yêu có thể thay đổi cho phù hợp với bối cảnh đương thời.
Hay bản chất của sự sáng tạo là không thay đổi nhưng định nghĩa về sự sáng tạo có thể được điều chỉnh dựa trên sản phẩm được làm ra theo quan điểm của người tạo ra.
Hay bản chất của sự tử tế là không thay đổi nhưng định nghĩa và hành động tử tế có thể được cân nhắc lựa chọn trong các trường hợp khác nhau.
Vậy thì phải chăng sẽ là một áp lực rất lớn nếu cho chúng ta nếu tất cả mọi thứ đều phải quay về trở về đúng bản chất của nó?
Để cần tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần phải đi qua hai câu hỏi phụ sau:
Áp lực đó đến từ đâu?
Việc quay trở lại đúng với bản chất của vấn đề sẽ mang lại những lợi ích cho bản thân mình?
Nếu bạn thấy được lợi ích lớn hơn phần áp lực, thì phần lợi ích sẽ trở thành động lực, áp lực sẽ không còn, và ngược lại.
Trong trường hợp của tôi, cả trả lời sẽ là:
Áp lực đó đến từ việc sẽ từ bỏ những lợi ích có được từ cuộc sống cũ, đối mặt với những áp lực về mặt tài chính, đối mặt với những hệ quả có thể xảy ra từ sự thay đổi này của mình, đối mặt với những sai lầm mà mình có thể mắc phải trên con đường mới.
Lợi ích cho bản thân mình là việc tìm lại được một phần tự do mình đã mất, cho phép mình xây dựng một cuộc sống nhiều sắc màu hơn, điều cuối cùng cũng là điều quan trọng nhất - đó chính là tử tế với bản thân mình vì đã lắng nghe những tiếng nói từ bên trong.
Đó là trong khía cạnh về lựa chọn con đường phát triển bản thân. Tuy nhiên, tôi cũng chẳng phải thần thánh gì mà tránh khỏi sự tự huyễn hoặc bản thân mình. Ví dụ như tôi là một con nghiện mạng xã hội, điều này đã được bạn bè góp ý rất nhiều lần, tôi cũng đã cố gắng cải thiện nhiều bằng cách hạn chế nó. Tuy nhiên, phần cải thiện khách quan mà nói là không đáng kể vì tôi tự huyễn hoặc mình rằng điều này không gây ra tác động quá xấu và quá lớn với bản thân mình. Đó thật ra là một lời biện hộ.
Chúng ta, một cách tự nhiên, sẽ luôn có sẵn những lời biện hộ với vai trò là người trong cuộc. Lời biện hộ thường bắt đầu bằng “Tại, bị, vì, cho nên” cùng với một tác nhân thứ ba nhưng giữ vai trò then chốt cho hành động và lời nói của mình. Điều thú vị là lời biện hộ gần như không bao giờ xuất hiện khi chúng ta ở vai trò của người ngoài cuộc.
Tác phẩm "Feeling Good" của Huey
Tại sao lại như thế? Cùng một vấn đề, cùng một bộ não nhưng cách xử lý lại khác nhau. Đâu là các yếu tố tác động vào ở góc độ khoa học, y học, tâm lý học? Tôi tin rằng phần lớn chúng ta đều có thể nhận thức được sự thật và bản chất của vấn đề. Mỉa may thay, cái sự thật đó thường khiến ta cảm thấy không dễ chịu, thậm chí là đau lòng, thế nên chúng ta sẽ có xu hướng chọn một phương pháp dễ chịu hơn đó là xoa dịu bản thân mình bằng các lý do nghe có vẻ hợp lý hợp tình.
Từ đó, sự tự huyễn hoặc ra đời. Ở góc độ ngắn hạn, sự tự huyễn hoặc cũng có hiệu quả riêng của nó vì nó giúp người ta có thể tạm thời vượt qua một giai đoạn khó khăn nào đó khi mà nguồn năng lượng bên trong của họ chưa đủ mạnh để giúp họ giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, nếu điều này diễn ra trong một thời gian dài, sự tự huyễn hoặc sẽ dần biến thành niềm tin, niềm tin sẽ thay đổi tư duy và hành động, được hợp thức hoá từ hợp lý nhất cho đến vô lý không tưởng.
Tôi tin chắc rằng, chúng ta ai cũng trải qua đôi lần hết sức ngạc nhiên trước lời giải thích hay suy nghĩ hết sức bất hợp lý của người thân, gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp về một vấn đề nào hay một khía cạnh nào đó. Quan điểm đó, trong một vài trường hợp gần như trái ngược hoàn toàn với hình ảnh hay các vấn đề khác trong cuộc sống của họ. Nhưng nếu bạn đủ hiểu về hoành cảnh sống, những trải nghiệm trong quá khứ thì có thể sự ngạc nhiên của bạn sẽ dần chuyển ra sự thấu hiểu.
Ví dụ như, bản thân chúng ta đã từng trải qua hoặc ít nhất một lần chứng kiến những mối quan hệ, những cuộc hôn nhân mà tình yêu đã không còn nữa, nhưng một trong hai hoặc cả hai đều cố gắng bám trụ lấy nó vì hoặc họ định nghĩa tình yêu theo một cách khác, hoặc nghĩ rằng có thể sẽ không gặp được ai tốt hơn, hoặc không thể sống nếu thiếu đi người kia, hoặc không chịu được cảm giác cô đơn, dù về mặt sinh học và thực tế thì bản thân mỗi người hoàn toàn có thể sống độc lập mà không cần phải phụ thuộc vào bất kỳ ai. Đó là một trong những ví dụ về sự tự huyễn hoặc về niềm tin. Ở tất cả các vấn đề khác chúng ta đều minh mẫn, nhưng chẳng hiểu sao khi trong chuyện tình cảm thì có khi trở thành một con người khác. Như thể trong bộ não có một công tắc đặc biệt dành riêng cho việc lập trình trong chuyện tình cảm.
Một ví dụ khác là tất cả những vị trí cao cấp trong một tập đoàn thông thường đều được tham gia vào các khoá huấn luyện về kỹ năng lãnh đạo (leadership skills). Phần lớn những người tham dự đều cố gắng để chứng minh rằng mình sẽ là một nhà lãnh đạo tài năng tương lai. Nhưng khi rơi vào tình huống thực tế thì tất cả những bài giảng về “tố chất của một nhà lãnh đạo” đều gần như bị bỏ quên, nhiều người sẽ quay trở lại đúng với bản chất thật sự của mình. Tuy nhiên, về phía hình ảnh và cách thể hiện ra bên ngoài, thì “tinh thần của một nhà lãnh đạo” vẫn thật mạnh mẽ và truyền cảm hứng. Đây là một trong những ví dụ về sự tự huyễn hoặc năng lực.
Từ hai ví dụ đơn giản trên, chúng ta có thể thấy rằng một trong những hệ quả lớn nhất của sự tự huyễn hoặc trong xã hội hiện nay chính là tạo ra những giá trị ảo trước sự hỗ trợ đắc lực của thế giới ảo và những người làm truyền thông thức thời.
Tiền ảo, danh xưng ảo, chức vụ ảo, tài năng ảo, sản phẩm ảo, vẻ đẹp ảo, tình yêu ảo, hạnh phúc ảo và quan trọng nhất là niềm tin ảo - niềm tin được hình thành từ những cái ảo ở trên cho tới khi bị vụn vỡ vì những màn lật mặt thật bất ngờ.
Xây dựng niềm tin dựa trên những giá trị ảo cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, thường thấy ở những người trẻ. Độ tuổi của những người bị trầm cảm ngày càng trẻ và số lượng ngày càng tăng. Trầm cảm hay sức khoẻ tinh thần những năm gần đây trở thành một trong những vấn nạn được quan tâm nhiều nhất của xã hội đương đại. Và đó cũng chính là lý do vì sao các loạt sách về chữa lành bản thân (self-help) luôn nằm trong danh sách những đầu sách bán chạy nhất.
Tại sao lại như thế? Lẽ nào sự tự huyễn hoặc chỉ mới nở rộ vào những năm gần đây?
Thật ra, sự tự huyễn hoặc là sản phẩm của một quá trình giả lập trong bộ não con người, thế nên một cách khách quan thì thời nào cũng sẽ có. Sự khác biệt lớn nhất giữa quá khứ xa và hiện tại, thậm chí là tương lai gần nằm ở việc sự tự huyễn hoặc có khả năng lan truyền, khuếch tán bằng một cụm từ được hay được sử dụng gần đây là “truyền cảm hứng”.
Chúng ta “được truyền cảm hứng” từ những giá trị ảo, bắt đầu xây dựng niềm tin từ đó và đó cũng chính là bước đầu tiên của quá trình tự huyễn hoặc bản thân.
Chúng ta mong muốn “truyền cảm hứng” cho người khác dự vào niềm tin được xây dựng từ những giá trị ảo, đó chính là bước đầu tiên của việc lan truyền sự tự huyễn hoặc từ giá trị ảo của bản thân mình.
Nếu bạn đủ bình tâm để quan sát, bạn sẽ nhận thấy rằng những người tạo ra những giá trị thật phần lớn là những người có khả năng thật, tạo ra những sản phẩm chất lượng và chính cái sản phẩm chất lượng ấy, người xem hoặc người sử dụng được truyền cảm hứng từ đó. Mục đích cuối cùng của họ là làm ra những sản phẩm chất lượng, “truyền cảm hứng cho người khác” là một giá trị cộng thêm.
Hai cách tiếp cận đó, nếu nhìn bề ngoài thì có thể dễ gây nhầm lẫn. Nhưng nếu có thể nhìn vào bản chất của sự việc, bạn có thể nhìn thấy sự khác biệt rất lớn.
Đó là một trong vài mẹo nhỏ mà bản thân tôi đúc kết được hạn chế tối đa sức ảnh hưởng của sự tự huyễn hoặc và những giá trị ảo.
Nhận thức sự tự huyễn hoặc đang diễn ra là một công việc mang tính tuỳ chọn (optional). Và vì tuỳ chọn, nên thường người ta sẽ không ưu tiên cho nó bằng những giá trị hữu hình khác, nhất là khi nó có thể mang lại cảm giác không dễ chịu gì cả (unpleasant feeling).
Ai lại muốn cuộc sống của mình, vốn trông rất ổn, bỗng nhiên trở nên khó chịu vì những sự thật mà không nói ra cũng chẳng ai biết.
Và đó cũng chính là sức mạnh của sự tự huyễn hoặc.
#selfdeception #selfdlusion #socialissues #lifelessons #innerstrength #personaldevelopment #personalgrowth #opinion #imhere #huey
Credit:
1. Bài viết của Duy Tran: https://www.facebook.com/jonathannguyen149
2. Tác phẩm "Conversation" & "Feeling Good" của Huey: https://www.facebook.com/trunghieu.truongtran