(A falling crown của Giangdraw)
Những tháng cuối cùng của năm 2019, với nhiều vấn đề không mong đợi xảy ra cùng một lúc, đã có lúc tôi tự đặt câu hỏi về sự tồn tại của bản thân như là một cách để tĩnh tâm và tìm thấy động lực để vượt qua khoảng thời gian thử thách.
Rồi sẵn tiện tôi nghĩ về sự tồn tại của loài người. Sự tồn tại của loài người có ý nghĩa gì đối với trái đất này?
Câu hỏi này lại càng trở nên mạnh mẽ hơn khi dịch bệnh Coronavirus bùng phát ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc và giờ đã trở thành đại dịch toàn cầu với hơn 320 ngàn ca nhiễm và gần 14 ngàn người ra đi trên gần 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Người ta bảo nhau rằng 2020 – năm bắt đầu của một thập kỷ mới thật sự không tạo ra không khí lạc quan như họ mong đợi mà ngược lại còn gieo rắc nỗi sợ hãi cho nhân loại trên toàn thế giới bằng một chủng virus mới với mức độ lây lan nhanh và thời gian ủ bệnh lâu nhất từ trước đến giờ so với những virus nguy hiểm trước đó như Ebola, SARS, H1N1, H5N1 v.v.v…
Vì khả năng lây nhiễm nhiều và thời gian ủ bệnh lâu nhân loại trên toàn thế giới đang kêu gọi phòng bệnh hơn chữa bệnh bằng nhiều cách dẫn đến tình trạng đầu cơ khẩu trang, nước rửa tay và tệ hơn là nhiều luồng thông tin thật giả xuất hiện mỗi ngày khiến cho loài người càng sống trong hoang mang, sợ hãi. Nhưng loài người rồi cũng sẽ cùng nhau vượt qua thử thách này như tất cả những dịch bệnh trước đó vì loài người là giống loài thông minh nhất, ưu việt nhất và cao ngạo nhất.
Những con virus xuất hiện như một lời đe doạ sự tồn tại của loài người và cũng là một sự thách thức với trí khôn của họ.
Chợt nhớ tới chuỗi video của tổ chức Conservation International với chủ đề “Nature is speaking” – tạm dịch “Khi thiên nhiên lên tiếng”, trong chuỗi video đó thì nội dung tôi thích nhất chính là tập Mother Nature do ngôi sao Julia Roberts lồng tiếng.
“I don’t really need people but people need me” – “Tôi thật sự không cần loài người nhưng họ thì chắc chắn cần tôi.”
“Your future depends on me. When I thrive, you thrive. When I falter, you falter…or worse””- “Tương lai của các người phụ thuộc vào ta. Khi ta phát triển, các người sẽ phát triển. Khi ta vấp ngã, các người sẽ vấp ngã…thậm chí còn tệ hơn.”
“How you choose to live each day, whether you regard or disregard me, doesn’t really matter to me” – “Cách mà các người sống mỗi ngày, cho dù có biết ơn hay là vô ơn đối với ta, thật sự không là mối quan tâm của ta.””
Vì sao?
“I am nature, I will go on. I am prepared to evolve, are you?” – “Vì ta là mẹ thiên nhiên, ta sẽ tiếp tục phát triển. Ta đã sẵn sàng để tiến hoá, còn loài người các ngươi, có khả năng đó không?”
“Nature doesn’t need people.” – “Ta không cần các ngươi, loài người ạ!”
Nếu Mẹ Thiên Nhiên không cần loài người, thì loài người từ đâu xuất hiện? Từ vượn người. Vậy vượn người từ đâu được sinh ra giữa hàng trăm loài vượn khác? Hẳn là bàn tay sáng tạo của Mẹ Thiên Nhiên chứ không ai khác có đủ quyền năng làm chuyện đó.
Thành ra những lời bà nói giống như một lời răn đe với đứa con ngỗ ngược, bất hiếu của mình. Cũng giống như cách ba mẹ hay la mắng chúng ta.
“Đồ mất dạy! Tao thà không có đứa con như mày còn hơn” hay “Tao thà đẻ ra cái trứng gà trứng vịt để ăn còn hơn có đứa con như mày!”.
Một đứa con thông minh siêu việt, tài trí hơn hẳn những giống loài khác mà bà từng tạo ra. Và có thể vì tình yêu thương pha lẫn chút tò mò, bà quyết định nuôi nấng chúng để xem khi lớn lên, chúng có thể làm được gì. Và rồi bản thân bà cũng đau xót khi thấy chúng giết nhau vì một ngàn lý do, cũng hãnh diện khi thấy chúng tạo ra những kỳ tích, những siêu phẩm, những sáng tạo phi thường trong các lĩnh vực khác nhau. Bà cũng gửi đến lời răn đe qua những trận cuồng phong hay những căn bệnh mới khiến loài người hoảng loạn, nhưng cuối cùng bà cũng là một người mẹ nên chẳng thể xoá sổ toàn bộ số con ngỗ ngược này. Nếu Thiên Nhiên là một người đàn ông, một người bố, thì có lẽ mọi chuyện sẽ đơn giản hơn, như một cái búng tay của Thanos chẳng hạn, phân nửa dân số trên thế giới sẽ tan vào hư không trong vài giây.
Đó là tôi đang ví trái đất chúng ta như một người mẹ với những trăn trở của bà.
Nhưng nếu quay trở lại đúng trái đất là một hành tinh trong thiên hà, trái đất chỉ là một hành tinh nhỏ bé giữa muôn ngàn những điều bí ẩn của vũ trụ.
Lúc xem series phim Westworld phiên bản 2016, tôi chợt có một suy nghĩ: “Có khi nào trái đất và loài người chính là sản phẩm giải trí của một giống loài siêu việt nào đó ngoài trái đất? Tất cả những điều mà mỗi con người suy nghĩ, những hành động, những lựa chọn và số phận đều do một cá thể của giống loài đó quyết định, kiểu như chơi trò chơi thực tế ảo vậy đó. Ta nghĩ ta quyết định mọi thứ nhưng thật ra ta chẳng thể quyết định được gì. Nếu loài người siêu việt như thế thì sao vẫn chưa giải mã được bộ gene, vẫn chưa hiểu được cách thức bộ não hoạt động, vẫn chưa giải thích hết được những bí ẩn của cuộc sống và quan trọng nhất là vẫn không thể chắc chắn được tương lai sẽ ra sao. Những biến cố vẫn ập đến, những điều bất ngờ vẫn diễn ra nằm ngoài hết khả năng tính toán của loài người. Tất cả những điều đó từ đâu ra? Ai là người vận hành số phận của mỗi người?”.
(Một cảnh trong series Westworld bản 2016 do HBO sản xuất)
Khi đặt ra những giả thuyết đó, đối mặt với những câu hỏi như thế? Một cách tự nhiên, chúng ta sẽ thắc mắc về sự tồn tại của bản thân và ở diện rộng hơn là sự tồn tại của loài người.
Sự tồn tại của mỗi cá thể không do cá thể đó quyết định, cũng không giúp ích được gì cho trái đất vì chúng ta tiêu thụ chứ không sản sinh. Thứ mà chúng ta sản sinh là khí CO2, là nước tiểu, là phân, là thêm cơ số những con người mới. Không có những thứ đó, trái đất vẫn tươi xanh, vẫn phát triển theo cách của nó.
Vậy thì sự tồn tại của 7.8 tỉ người trên trái đất này có ý nghĩa?
Sẽ có nhiều người liệt kê ra những thành tựu, những phát kiến vĩ đại của loài người nhưng tất cả những thứ đó đều là để phục vụ cho họ.
Sẽ có nhiều người bảo rằng đó là tình yêu thương giữa người với người, là sự tử tế, là lòng trắc ẩn, nhưng những loài vật khác cũng có những tính cách đó thôi, như thiên nga, chim cánh cụt, chim yến chỉ có một bạn đời, như cá hồi quay về nguồn cội để sinh con rồi mất đi, như sói thủ lĩnh sẵn sàng hy sinh bản thân mình để bảo vệ đàn.
Thế nên, điều duy nhất có thể giải thích cho sự tồn tại của loài người chỉ có thể là từ lòng trắc ẩn của bà Mẹ Thiên Nhiên hay là một đấu trường giải trí của một giống loài siêu việt khác.
Có người sẽ phì cười bảo rảnh quá, quan tâm đến sự tồn tại của loài người để làm gì? Dành thời gian đó để phát triển bản thân hay làm gì có ích cho xã hội giùm cái!
Thì tôi vẫn sống như thế đấy thôi chứ nào có quyền năng gì to lớn để quyết định vận mệnh của loài người.
Nhưng hãy thử nghĩ thế này nhé!
Khi nhận thức được rằng sự tồn tại của mình là từ lòng trắc ẩn của một quyền năng nào đó, tự nhiên bản thân sẽ cảm nhận được sự hàm ơn với cuộc đời.
Khi đã có sự biết ơn cùng với việc biết rằng sự tồn tại của mình không do mình quyết định, bạn sẽ sống khiêm nhường hơn với thiên nhiên, với những thực thể sống xung quanh, không quá cay nghiệt với cuộc đời và những quyết định của bản thân.
Vậy thì sự mâu thuẫn của sự tồn tại của loài người như cái tiêu đề nằm ở đâu?
Nằm ở chỗ loài người nghĩ rằng mình là cái rốn của vũ trụ, nghĩ rằng mình siêu việt lắm, có thể khống chế mọi thứ, có thể sáng tạo ra những điều không tưởng, tự cho phép mình cái quyền tiêu thụ, thải ra chất thải và bao biện rằng đó là quyền con người mà quên mất cái búng tay của Thanos.
(Hi Thanos, at some points, I got you
#coronavirus #sarscov2 #pandemic #societyissues #humanbeing #iamhere #opinion #letmotherspeak #sumauthuancualoainguoi #theparadoxofthehumanbeing #giangdraw
Credit:
Bài viết của Duy Tran: https://www.facebook.com/jonathannguyen149
Tác phẩm “A falling crown” của Giangdraw: https://www.facebook.com/dennisgiang
Comments