“Đừng quan tâm/bận tâm đến người khác nghĩ gì về mình?”
“Hãy là chính mình!”
“Hãy yêu lấy những khiếm khuyết của mình, không ai là hoàn hảo cả!”
Những lời khuyên như thế được xem là một liệu pháp cải thiện cho sức khoẻ tin thần. Rũ bỏ những áp lực, những tiêu chuẩn của xã hội. Học cách yêu thương, chấp nhận bản thân mình. Đó là điều chúng ta nên làm, cần làm và mình cũng như thế. Thực hiện đúng và đủ ba câu trên thôi có khi là cả một hành trình gian khó. Một cuộc chiến bên trong diễn ra mỗi ngày, đặc biệt trong những thời điểm quan trọng. Một cuộc chiến đối diện với bóng tối của chính mình, phản kháng lại những mong đợi của những người thân thương. Một cuộc chiến đòi hỏi rất nhiều năng lượng, thời gian và nhất là sự kiên định. Một cuộc chiến không dành cho tất cả nhưng phần lớn đều cần.
Giờ đây, khi đi đâu, ngồi với ai mình cũng có thể nghe thấy ba câu tiêu biểu trên hoặc tương tự hoặc nhiều hơn. Và sự hiểu của mỗi người có khi giống nhau nhưng đôi lúc cũng có sự điều chỉnh có chủ đích hoặc vô thức.
Thế nên hiểu đúng và thực hiện đúng mới là điều cốt lõi.
Làm sao để hiểu đúng và thực hiện đúng? Mình không có câu trả lời vì mình không chắc quy cách của bản thân có thể hiệu quả đối với người khác.
Nhưng điểm khởi đầu có thể cũng là một gợi ý.
“Đừng quan tâm/bận tâm đến người khác nghĩ gì về mình?”
“Vậy thì khi nào mình cần/nên để tâm đến điều người khác nghĩ về mình?”
“Hãy là chính mình!”
“Nếu “chính mình” là một phiên bản nhiều lỗi thì liệu có nên là chính mình?”
“Hãy yêu lấy những khiếm khuyết của mình, không ai là hoàn hảo cả!”
“Nếu những khiếm khuyết của mình không xứng đáng được yêu?”
Nếu như để thực hiện câu đầu tiên của mỗi đoạn là một hành trình gian khó.
Thì việc nhìn thấy câu trả lời cho ba câu tiếp theo của mỗi đoạn cũng là một hành trình gian lao.
Đôi khi quan tâm đến người khác nghĩ gì về mình sẽ cản bước mình làm những điều xấu, trái với đạo đức, với luân thường đạo lý, vượt qua khuôn phép của “Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín”.
Đôi khi nhận thấy phần “lỗi” của chính mình sẽ giúp mình nhận ra hoá ra mình “không tốt như mình nghĩ”, hoá ra việc người ta “phản ứng như thế” là cũng có lý do, hoá ra những phần “lỗi” có nhận thức hay vô thức đó đều dẫn đến những hệ quả nhất định.
Chúng ta vẫn thường nhận vai “nạn nhân của cuộc đời”.
Đôi khi không yêu những “khiếm khuyến” của bản thân là động lực để thay đổi, để điều chỉnh, để bớt làm tổn thương người khác, để cố gắng trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.
Và một cách tình cờ có, nếu để tâm, chúng ta sẽ thấy ba cái “đôi khi” này kết nối với nhau.
Quan tâm đến người khác nghĩ gì về mình, để nhận ra những phần “lỗi” của mình, nhận thấy không nên nuông chiều những khiếm khuyết của bạn thân để từ đó cố gắng trở thành một người tốt hơn.
Nhưng làm thế nào để xác định “người khác” nào xứng đáng để mình quan tâm đến họ nghĩ gì? Và nghĩ gì trong những vấn đề nào và khi nào?
Làm thế nào để xác định “khiếm khuyết” nào cần được yêu thương, “khiếm khuyết” nào không thể dung thứ, bao che, thoả hiệp?
Những câu hỏi thế này không ai trả lời thay cho ai được.
Những câu hỏi thế này đôi khi khiến cho người bị hỏi cảm thấy không thoải mái - dù là ai đó hỏi mình hay tự bản thân chất vấn. Một cảm giác “bị dồn đến chân tường”.
Nhưng nghĩ mọi thứ nửa vời, lưng chừng, không đến tận chân tường có khi còn nguy hại hơn.
Cái nguy hại ở thì tương lai. Cái nguy hại nằm ở sự hối tiếc “Phải chi?” “Ước gì?”. Cáo nguy hại của việc xem chuyện làm tổn thương người khác là điều hiển nhiên, là một cách “yêu chính mình”.
Trong một xã hội mà ranh giới của cuộc sống ảo và đời thực ngày càng mỏng manh, người ta định danh nhiều thứ, đánh trao khái niệm nhiều điều, lợi dụng lòng tin, chơi đùa cảm xúc của nhau thì việc nghĩ đến “tận chân tường” có khi là một cách để bảo vệ mình. Nói đúng hơn là bảo vệ những giá trị “Chân Thiện Mỹ”, “Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín”, “Luân Thường Đạo Lý”, bảo vệ vị trí của phần “người” vốn đã đứng sau phần “con”.
Thế giới giờ đây đã rất khác.
Chúng ta - như phần lớn mọi người đều nói - ai rồi cũng khác.
Liệu thế giới có nhìn ta rất khác?
Liệu ta có bận tâm đến việc “thế giới có nhìn ta rất khác”?
Liệu ta có bận tâm rằng “mình rất khác”?
#personalgrowth #humanbeing #mentalhealth #wellbeing #mindfulness #lifechallenges #lifelessons #selfhelp #selflove #iamhere
Credit: - Bài viết của Duy Tran: https://www.facebook.com/jonathannguyen149 - Hình ản chụp từ triển lãm của Minagawa Akira tại Cao Hùng, Đài Loan, 2023
Comentarios