“Anh với Gà có hay gây lộn nhau không? Thường gây lộn thì là do ai? Ai là người giải hoà và làm lành trước!”.
Thật ra đây không phải là lần đầu tiên có người hỏi mình câu này, những lần trước mình đều trả lời vài ý chính vì không tiện nói nhiều. Nhưng lần này cảm giác khi được hỏi và nghĩ về câu trả lời khiến mình cảm thấy hạnh phúc, chắc có lẽ vì gần đến kỷ niệm 7 năm quen nhau, một chặng đường cũng không ngắn. Những ngày bắt đầu, thật lòng không nghĩ, nói đúng hơn là không dám tính đến chuyện xa xôi như vậy! Và trên hành trình đó, gần như không có phong ba bão táp, không có bất kỳ những trận cãi vã nào khiến cả hai phải có cảm giác mệt mỏi, trừ lần mâu thuẫn đầu tiên do chưa thật sự hiểu nhau trong các vấn đề quan trọng. Mọi thứ từ đó đều thoải mái và bình yên. Với mình, trước hết là sự may mắn, sau là do nỗ lực của hai đứa trong việc thực hiện những cam kết ngay từ khi mới quen nhau. Gọi là cam kết thì có vẻ to tát, đúng hơn đó là những quy tắc ứng xử để hạn chế tối đa những nguyên nhân dẫn đến tranh cãi hoặc mâu thuẫn không đáng có.
Xin được chia sẻ với mọi người những điều này như một cách sẻ chia kinh nghiệm, mang tính tham khảo, nếu hữu ích được cho ai thì càng tốt.
Nguyên tắc thứ 1:
Không tranh cãi khi đang ở trạng thái tinh thần không ổn định. Một trong hai người, vào thời điểm nhạy cảm đó, phải lùi một bước, nói nôm na là nhịn. Ví dụ khi mình đang nóng thì người kia phải nguội và ngược lại.
Bất kỳ sự tranh cãi nào diễn ra vào lúc này đều có thể đẩy vấn đề xa hơn thực tế và thậm chí là làm tổn thương nhau vì những lời nói không thể rút lại được.
Đừng nghĩ thời gian sẽ khiến bạn lãng quên, đã là tổn thương thì nó vẫn sẽ luôn nằm ở đó và chờ đời cơ hội để trỗi dậy, lần sau sẽ mạnh mẽ hơn lần trước, tổn hại tình thần càng nhiều hơn. Lùi một bước không phải là người thua trận, người nhịn cũng không phải là người yếu đuối. Nếu thật sự yêu thương, thì không nên có sự hơn thua, anh hơn em thì anh được gì và em hơn anh thì em được chi. Hãy để khi cả hai ở trạng thái ổn định, khi đủ minh mẫn để nhìn nhận vấn đề thì hãy bắt đầu mang ra thảo luận.
Cần phân biệt giữa thảo luận, tranh luận và tranh cãi. Thảo luận là chia sẻ quan điểm và suy nghĩ của mình để người kia hiểu và ngược lại, dựa trên tinh thần cùng nhau tìm ra cách giải quyết hợp lý nhất cho cả hai, nói nôm na gọi là sự dung hoà. Tranh luận cũng là một cách để hiểu về cách tư duy và lập luận của người để từ đó tìm ra điểm chung giữa sự khác biệt. Tuy nhiên tranh luận chỉ có thể hiệu quả đối với những ai đủ tỉnh táo để nhận ra được ranh giới mong manh giữa tranh luận và tranh cãi. Cái quan trọng nhất trong thảo luận chính là thái độ của người tiếp nhận. Điều này dẫn đến nguyên tắc thứ 2.
Nguyên tắc thứ 2:
Nguyên tắc không phán xét - Anh đúng em sai. Điều này thường thấy khá phổ biến ở những cặp đôi chênh nhau nhiều tuổi. Người lớn hơn thường có xu hướng áp đặt quan điểm, suy nghĩ, kinh nghiệm sống của mình lên người nhỏ và luôn tin rằng mình đúng. Tư duy đó trước tiên đã không ổn trong một mối quan hệ tình cảm. Trong tình yêu, điều cơ bản nhất người ta cần chính là một người có thể chia sẻ, lắng nghe và hiểu mình, khiến mình cảm thấy thoải mái nhất khi được là chính họ, sự phán xét nếu có thì đó là việc của người đời, chứ không phải là ở một người yêu. Một điều quan trọng khác mà người lớn thường hay quên mất là họ đã cũng đã từng trẻ như người kia, cùng từng có những suy nghĩ, cách hành xử và lựa chọn như thế. Kinh nghiệm này có thể đúng với bạn nhưng chưa chắc đúng với người kia.
Buộc người khác phải tư duy, suy nghĩ và hành động theo ý mình, trước tiên là trái với quá trình phát triển tư duy tự nhiên của một người, sau là làm mất đi vai trò quan trọng nhất của mình trong mối quan hệ - một người bạn tri kỷ.
Tại sao lại là trái với quá trình phát triển tư duy tự nhiên của con người? Người ta chỉ trưởng thành từ những thử thách, va chạm với cuộc đời, từ thành công lẫn thất bại, từ những hệ quả của các quyết định sai lầm, ông bà hay nói là “để nó ra đời cho đời dạy nó!” là vậy. Chính những bài học đó tạo nên sức đề kháng cho người kia trước những cám dỗ và thách thức mới đang chờ phía trước. Khi bạn áp những kinh nghiệm của mình và tin rằng làm như thế mới là đúng đắn, nghĩa là bạn đã tước đi bài học của họ, họ sẽ không có sức đề kháng với những biến cố trong đời, thứ mà bạn hoàn toàn không có quyền quyết định nó sẽ đến lúc nào. Vậy vai trò của bạn sẽ là gì? Hãy là một người chia sẻ kinh nghiệm, truyền năng lượng tích cực cho người ấy. Trong bất kỳ vấn đề nào đòi hỏi phải có sự quyết định, hoặc trong cách nhìn nhận và đánh giá vấn đề, bằng kinh nghiệm của mình, hãy chỉ ra cho người kia Pros (cái được) và Cons (cái không được) của mỗi vấn đề hoặc mỗi quyết định, nhấn mạnh sự chia sẻ của bạn chỉ ở để tham khảo, không đóng vai trò đính hướng cho việc quyết định. Hãy để người kia trải nghiệm cảm giác đưa ra một quyết định đúng/sai và cả trách nhiệm của mình đi cùng với nó. Mình đã nhiều lần nói với Gà “Em còn trẻ, phải lăn xả vào đời, đừng ngại gì hết, miễn đừng làm gì trái pháp luật hay đạo đức con người, bị lừa, bị thiệt, bị người ta đối sai, bị điều tiếng này nọ hay chịu cực một xíu cũng được, không sao cả, có anh và gia đình luôn ở phía sau em, sẽ không phải kiểu bảo bọc em nhưng chắc chắn không để em "clean shit" một mình. Vì tất cả những cái đó là đời đang dạy mình, nếu không có nó, em sẽ không bao giờ lớn, sẽ mãi là ếch ngồi đáy giếng. Miễn là sau mỗi lần vấp váp đó, mình đều ghi nhớ bài học để tránh về sau. Một cái lỗi mà lập lại 3 lần thì lúc đó là do bản thân em, chứ không phải lỗi của ai hết!”.
Nguyên tắc thứ 3:
Không mặc nhiên! Không mặc nhiên là người kia sẽ luôn ở cạnh mình, nghĩ như thế sẽ là tạo nên tâm lý ỷ lại, khiến mình không thể phát huy hết khả năng tư duy giải quyết vấn đề.
Không mặc nhiên tình cảm là vĩnh viễn. Sự chây lười trong việc vun đắp tình cảm là cách nhanh nhất để một tình yêu kết thúc.
Than trong lò đã tàn thì cho dù có cơi lại cỡ nào cũng không thể được như xưa. Và đã gọi là vun đắp mỗi ngày thì chắc chắn không phải là những điều to lớn vĩ đại, mà chính là những thứ rất đơn giản, bình thường trong cuộc sống.
Nguyên tắc thứ 4:
Không tuyệt đối hoá tình yêu, thành thật với bản thân mình và tôn trọng người kia. Như đã nói ở trên, tình yêu đôi lứa không phải là thứ tình cảm bất biến.
Việc một ngày nào đó bỗng nhiên em nhận ra tình yêu dành cho anh không còn hoặc một ngày đẹp trời, em chợt gặp 1 người và nhận ra đó mới là tình yêu thật sự của em, là cái hoàn toàn có thể xảy ra.
Nếu điều đó xảy đến, trước tiên hãy thành thật với bản thân mình, vì chỉ khi thành thật với bản thân, lắng nghe trái tim để cảm nhận được tất cả mọi thứ, khi đó em mới có thể quyết định một cách dứt khoát. Tiếp theo thì cho dù quyết định đó có thể nào thì hãy dành cho anh một sự tôn trọng bằng cách cư xử tử tế. Nhiều chị em phụ nữ hay nói vui mà cay với nhau rằng: "đàn ông trong khi và sau khi ly dị thì mới biết được có phải đàn ông không?".
Tình cảm không bao giờ có lỗi, lỗi chỉ ở người cư xử không tử tế với nhau mà thôi. Khá nhiều người bất ngờ khi nghe mình kể về điều này, bảo sao lúc mới quen mà đã nói điều không hay rồi. Mình cười bảo vì mình không thấy điều đó là điềm quở hay gì cả mà ngược lại mình thấy đó là cái rất quan trọng để người kia hiểu được mình là người thế nào và quan điểm của mình trong chuyện tình cảm ra sao, để từ đó có thể cảm nhận sự tương đồng ngay từ đầu hoặc là không.
Nguyên tắc thứ 5:
Không tạo áp lực lên đời nhau. Nói đơn giản là không khiến đời nhau thêm màu bi kịch. Nếu hiểu như thế, tất cả những mối quan hệ nhuộm màu drama từ ngày này qua tháng nọ, chắc chắn không phải là kết quả của tình yêu. Sức mạnh thực sự của tình yêu là giúp cho người kia có niềm tin mạnh mẽ hơn vào cuộc sống, tạo động lực để phát triển bản thân (ở đây phải hiểu sự phát triển bản thân, bên cạnh sự phát triển về khả năng, địa vị, vật chất mà còn cả sự phát triển của tư duy, cảm thụ cuộc sống và quan trọng hơn hết là hình thành nên nhân cách sống).
Những biến cố, thăng trầm hay thách thức của cuộc sống, nếu có đến với một trong hai người thì người kia chắc chắn sẽ không cảm thấy áp lực, mà ngược lại sẽ có thêm động lực và niềm tin để cùng nhau cố gắng vượt qua. Còn nếu vì lẽ nào đấy mà đôi đường đôi ngã, thì nghĩa là duyên cũng đã hết và đó cũng là một trong những ví dụ minh chứng cho nguyên tắc thứ 4 đã được đề cập ở trên.
Việc những thách thức đến bất ngờ khác với việc sự bi kịch xuất phát từ chủ ý của một người. Khi yêu, một cách tự nhiên, bạn sẽ nghĩ cho người kia nhiều hơn cho bản thân mình và ngược lại.
Chính vì vậy, việc bạn đưa ra những quyết định mang tính tổn hại đến người kia cả về mặt tinh thần lẫn vật chất, là một câu trả lời ngầm hiểu cho việc đó chắc chắn không phải là tình yêu, có chăng là tình yêu bạn dành cho chính bản thân mình.
Thật lòng, khi nói ra những điều này, mình cũng không chắc là người kia có thể hiểu hết không huống chi là làm được tất cả. Và thật sự ngạc nhiên, người ta đã làm được hơn cả mong đợi của mình. Với mình, điều này chỉ có thể được giải thích bằng sự may mắn khi có được một món quà đặc biệt từ ông Trời, nói nghe có vẻ sến nhưng thật sự là như vậy!
Khi thấy có mùi tranh cãi, mỗi đứa đều phát tín hiệu cho người kia để biết điểm dừng, có khi là sự nhắc nhở nghiêm túc, có khi là lời nói nhẹ nhàng nhưng đủ để mình phải tỉnh người. Lắm khi một vấn đề nói ra, người kia đưa ra cách đánh giá và giải quyết y như trong đầu mình đang nghĩ và ngược lại. Những lúc như thấy trong lòng thấy một chữ “Đã!” rồi nghĩ “Sao hay dữ vậy ta!”.
Bỗng nhớ đến trên con đường quen thuộc đèo nhau đi mỗi ngày, hồi mới quen nhau, có lần mình hỏi:
“Ủa sao giữa bao nhiêu người, bà chọn tui?”
“Tại không ai môi trề như bà hết!”
“Thôi đi, quỷ iu, hỏi nghiêm túc đó!”
“Ok, tại tui thấy ở bên cạnh mấy người tui thoải mái nhất, cũng không sợ bị đánh giá, phán xét các kiểu, bị rồi nên rất mệt. Cách mấy người nói chuyện phân tích này này nọ cũng giống mẹ tui, không có nói đúng sai, không có bắt ép mà nói cho tui thấy được vấn đề nó nằm ở đâu để tui tự học hỏi. Mà vậy mới là tui!”
“Ai nhập đíp dữ!”
“Tao cắn bây giờ đó nha, con quỷ khùng!”
Sài Gòn, 14.07.2018
Một chiều mùa thu ở Melbourne
Credit: Bài viết của Duy Tran: https://www.facebook.com/jonathannguyen149
https://bit.ly/3blWPMc
Comments