Bản chất của tôn giáo là hướng thiện, tất cả các nội dung kinh kệ, các hình thức giảng giải đều hướng đến mục đích duy nhất là giúp loài người sống chân, thiện, mỹ.
Tác phẩm "Make A Wish" by Giangdraw
Chân là chân thành, chân lý. Chân lý tính ra cũng ở tính tương đối.
Vì vậy phải cần cái thiện, sự lương thiện là cái neo giúp loài người tìm thấy ánh sáng, thấy lối thoát bên trong tâm can khi cái chân lý bị lung lây, chao đảo bởi sự đời.
Và khi thấy được ánh sáng, thấy được lối thoát sau bao nhiêu sóng gió của cuộc đời, người ta sẽ nhìn thấy cái mỹ – là cái đẹp của cuộc sống, là cái đẹp trong tâm hồn được khai sáng sau những thử thách, là cái năng lượng tích cực toả ra từ người đó.
Từ đó người ta mới sinh ra câu “Tâm sinh tướng”, hay cụm từ “Nhìn phúc hậu!”. Đó là cái mỹ. Mà cái mỹ chỉ có được khi cái chân và cái thiện vững vàng. Bộ ba đó phải luôn đi cùng nhau, không thể tách rời.
Không có tôn giáo nào đi gieo rắc thù hằn, đi tạo ra chiến tranh, cướp đi sinh mạng của người khác, không chỉ một mà là hàng chục triệu người, nếu tính theo chiều dài của lịch sử nhân loại, từ những trận chiến nhân danh tôn giáo, sắc tộc.
Đó là câu chuyện của thời xưa thiệt xưa, còn ở thời bây giờ, chắc mỗi người đều nhiều hơn một lần chứng kiến những quý phật tử sáng đến chùa tụng kinh, chiều cho vay nặng lãi, hung hãn với người đời. Hay không ngại chi tiền bạc triệu bạc tỷ, rồi bước ra khỏi cổng chùa là trận chiến danh vọng, địa vị, quyền lực, tiền bạc, sẵn sàn giẫm đạp lên nhau để tiến thân. Đó là chưa kể đến việc sử dụng các thế lực đen tối khác để trấn áp và bảo vệ cho vị trí của mình.
Hay chính những người trong tôn giáo, cũng lợi dụng tôn giáo để làm điều sai trái, thậm chí ghê rợn hơn người.
Câu hỏi đặt ra sẽ là: “Nếu bản chất tôn giáo là hướng thiện, vậy tại sao loài người tôn sùng tôn giáo lại có những hành động như thế?”
Câu trả lời, với mình, dễ hiểu nhất là do sự diễn dịch của họ đối với các nội dung trong lời giảng của kinh.
Sự diễn dịch đó sẽ bị chi phối bởi bản tính “Tham, sân, si” của loài người - Bộ tam đối lập với “Chân, thiện, mỹ”.
Về bản chất, họ biết sự diễn dịch đó là không đúng hoặc đi trái với bản chất của tôn giáo. Nhưng bộ ba bản tính, một cách khách quan, có sức mạnh hơn bộ ba hướng thiện. Vì sao? Vì một phía là có xu hướng muốn nhận, muốn thêm, muốn khẳng định, muốn hơn thua, bên kia lại khuyên người ta buông bỏ, chịu thiệt và hướng đến sự bình yên bên trong hơn là cái thể hiện bên ngoài. Theo lẽ tự nhiên, khi cân đo đong đếm, giữa được và mất, người ta sẽ chọn cái được.
Và khi chọn cái được, người ta sẽ phải cho đi để cảm thấy xoa dịu bản thân bằng cách không ngại sử dụng vật chất cho một niềm tin tôn giáo mới, một tôn giáo do chính họ xây dựng trong tâm trí của mình.
Một tôn giáo cho phép “Tham, sân, si” chế ngự, và “Chân, thiện, mỹ” hiển nhiên sẽ bị loại bỏ, hoặc có chăng sẽ được diễn giải theo cách riêng của họ.
Vậy thì khi nào loài người mới có thể hiểu đúng bản chất của tôn giáo và hướng mình đến “Chân, thiện, mỹ”?
Câu trả lời sẽ là KHÔNG BAO GIỜ!
Tại sao?
Vì đó mới là cuộc đời.
Ngay cả khi thầy trò Đường Tăng đã đến Tây Trúc để thỉnh kinh, trước khi được dẫn vào Tàng Kinh Các thì Đường Tam Tạng phải gửi chút quà cho quý thầy canh giữ.
Phật Tổ biết không?
Ngài biết chứ!
Nhưng sao ngài không lên tiếng và để chuyện đó xảy ra?
Xin được mời mọi người cùng nhau diễn giải.
#religion #criticalthinking #theparadoxofthinking #internalconflicts #lifeissues #socialissues #humanbeing #letmotherspeak #sumauthuancualoainguoi #theparadoxofthehumanbeing #iamhere #opinions #giangdraw
Credit:
1. Bài viết của Duy Tran: https://www.facebook.com/jonathannguyen149
2. Tác phẩm “Make A Wish” của Giangdraw: https://www.facebook.com/dennisgiang
Comentarios