Nhớ khi sắp tới sinh nhật lần thứ 30, tức là hồi năm 2016, cũng có lăn tăn suy tư này nọ.
Những suy nghĩ bắt đầu bằng một câu cảm thán 2 chữ: “30 rồi!”. Như lẽ thường, người ta sẽ tự hỏi bản thân, mình đã làm được gì, mình đã có được những gì?. Ngồi nghĩ về những gì đã trải qua, những gì mình có được như ngồi tua lại những cộc mốc của 30 năm đời, những điều còn nhớ, những thứ không thể quên. Và trong quá trình tua lại những đoạn phim đó, mình chợt nhận ra có một thứ quan trọng khác mà mình cũng cần phải nhìn lại. Nó bắt đầu bằng một câu hỏi ít khi mình nghĩ đến: “30 tuổi, mình đã hiểu bản thân mình đến mức nào?”. Thấu hiểu bản thân, với mình, như cái bếp lò, nơi đó có những ngọn lửa, có khi âm ỉ để xoa dịu những dư chấn của cuộc đời, có khi bùng cháy để thôi thúc bản thân phải sống một đời không hối tiếc. Hông dễ để có câu trả lời, cái khó đến từ sự thành thật với chính bản thân mình, kể cả việc đối mặt lại với những sai lầm, những nỗi đau với một tâm thế khác.
30 tuổi, mình biết cách lắng nghe cơ thể mình tốt hơn. Thật ra chẳng phải tinh tế gì, mà chính là từ tiếng nói mạnh mẽ của nó. “Thấy sức khoẻ mình đi xuống rõ rệt!”, đó là câu mà mình vẫn hay nói hội 30 lúc đó, thỉnh thoảng bây giờ cũng nhắc lại như một cách bảo ban nhau. Thiệt tình không biết về mặt sinh học, phải chăng khi đến tuổi 30, lục phủ ngũ tạng kiểu như sau ngần ấy năm căng ra để cùng mình bôn ba với đời, thì tự nhiên muốn nghỉ xả hơi hoặc muốn biểu tình nhẹ, buộc mình dù muốn hay không, phải lắng nghe sự đình công đó, hoặc có khi chính vì cái cảm giác hoang mang khi tuổi 30 ập đến, người ta bỗng choàng tỉnh, cho phép mình chậm lại để suy nghĩ nhiều thứ, nhờ đó mà có thể lắng nghe tiếng í ới của cơ thể mình kiểu “lạy Trời, cuối cùng nó cũng có chút thời gian nghe tụi mình than vãn!”.
30 tuổi, mình nhận ra rằng, thứ duy nhất mà mình có thể kiểm soát được trong cuộc đời này chính là bản thân mình.
Hiểu được điều đó, mình sẽ bớt đi sự than vãn không cần thiết đối với những điều không mong đợi, từ vụn vặt cho đến lớn lao. Mình học được cách bình tâm trước những sóng gió, học cách đón nhận những nỗi buồn như thể nó là một phần tất yếu của cuộc sống. Đâu ai có thể dám chắc được rằng địa vị mình có ngày hôm nay sẽ vẫn vững chãi ở tháng sau, đâu ai có thể dám chắc rằng vật chất mình có ngày hôm nay sẽ ở mãi bên mình về sau, đâu ai có thể ngờ rằng những điều mình trân quý ngày hôm nay, hoàn toàn có thể quay lưng với mình ở ngày sau, và hẳn nhiên cũng không ai dám chắc rằng, người yêu mình hôm nay sẽ vẫn yêu mình những ngày tới. Nhiều người sẽ nghĩ “Sao phải suy nghĩ tiêu cực như thế!”. Mình sẽ hỏi lại “Thế người có biết sự lạc quan đến từ đâu không?”. Sự lạc quan không phải đến từ việc nhìn cuộc sống cứ mãi màu hồng, đó là sự ảo tưởng về cuộc sống, một liều thuốc độc âm thầm giết chết niềm tin của một người khi thời cơ chín muồi. Với mình, sự lạc quan đến từ việc mình đối mặt với sự thật, để có được sự chuẩn bị về mặt tinh thần, giúp nhìn thấy rõ căn nguyên của vấn đề, cho dù nó sẽ có khiến bạn đau lòng thế nào đi chăng nữa, nhưng chính trong giây phút đối mặt với sự thật đó, bạn sẽ thấy được thứ ánh sáng ấm áp toả ra từ bên trong, bạn biết mình sẽ ổn, bạn biết mình sẽ học được gì, và bạn sẽ vững vàng mà đi tiếp. Tất cả những giày xéo, đay nghiến tâm hồn phần lớn đều xuất phát từ việc con người ta tuyệt đối hoá hay mặc nhiên hoá những thứ quan trọng trong cuộc đời.
Người ta mặc nhiên đã là vợ chồng thì tình yêu cứ thế mà bất biến, người ta tin rằng chỉ cần nói yêu nhau mãi là sẽ mãi cùng nhau, người ta luôn nghĩ rằng ngần ấy thứ mình tạo ra, mình dốc sức để có được hiển nhiên sẽ mãi thuộc về mình, về còn nhiều nhiều những điều khác. Phải, mình có quyền nghĩ như thế và tin như thế. Nhưng Thượng Đế có cách riêng của ngài. Bạn chẳng thể hỏi tại sao, cũng chẳng thể né tránh nếu điều đó được "chỉ định" sẽ phải xảy ra. Lúc đó, điều duy nhất bạn có thể làm là gì?
30 tuổi, mình nhận ra rằng việc so sánh bản thân mình với người khác là tự đưa mình vào sự bế tắc.
Sao người ta kiếm được nhiều tiền thế ? Sao người ta sướng thế ? Sao người ta giàu thế ? Sao người ta may mắn thế ? Những câu hỏi như thế thường xuất hiện không ít trong những buổi tán gẫu cùng bạn bè. Nói vui thì được nhưng đặt nó vào trong tâm trí và để nó trở thành cái ganh gánh trong lòng chẳng khác nào việc tự giam hãm bản thân mình trong ngôi nhà của người khác. Mỗi người có một xuất phát điểm khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau và tất nhiên định nghĩa về hạnh phúc cũng sẽ khác nhau. Nếu có so sánh thì sự so sánh đó hãy dành cho bản thân mình. Ai cũng biết thỉnh thoảng con người ta cần phải dừng lại, để nghỉ ngơi, để dưỡng sức, để tái tạo năng lượng, nhưng nếu cứ mãi giậm chân thì hẳn nhiên mình sẽ bị tụt lùi lại phía sau, đến một lúc nào đó mình sẽ tự hỏi thế mình tồn tại trên đời này để làm gì?
Sự phát triển của bản thân là yếu tố then chốt để phát triển cuộc sống. Sự phát triển đó có khi sẽ là một địa vị mới với thu nhập cao hơn, là việc được đi nhiều nước, khám phá nhiều điều mới lại, là việc sở hữu được những thứ giá trị mà mình hằng ao ước, nhưng có khi nó chỉ là việc nhận ra được một điều ý nghĩa trong cuộc sống, cảm nhận cuộc sống ở một góc độ khác, vượt qua được một nỗi sợ hãi bấy lâu, dám đối mặt với những điều mình đã từng e ngại, hay đơn giản là thấu hiểu bản thân mình. Sao cũng được, chỉ cần cảm thấy được sự chuyển động tích cực của bản thân thì cuộc sống của bạn đang dần chuyển sang một trang mới tươi sáng hơn.
30 tuổi, như mình đã nói, bên trong mỗi con người luôn có một cái bếp lò sưởi ấm tâm hồn, về để giữ lửa cho nó, người ta cần thêm những thanh củi, hay vài cục than mỗi ngày.
Nó có thể là tìm đến sự bình yên ở một nơi chốn nào đó, nó có thể là một quyển sách hay, một bộ phim ấn tượng, một bài hát thấu lòng hay một trải nghiệm mới tạo nên sự phấn khích. Vì lẽ đó, nên mình chọn cách chia sẻ nhiều hơn những thứ hay ho, những điều hài hước, những sáng tạo mới, những câu chuyện vui hay cả những thứ khiến mình xúc động, có khi một chút man mác của nỗi buồn. Vì nỗi buồn có vẻ đẹp riêng của nó.
Hồi 30 tuổi, đặt ra nhiều câu hỏi với bản thân về hành trình tiếp theo của cuộc đời. Dù muốn hay không thì con số 30 cũng trở thành một cột mốc đáng nhớ của đời người.
Bây giờ 34 tuổi, những trăn trở của tuổi 30 không còn nữa mà thay vào đó là những trăn trở mới, những câu hỏi mới cho hành trình sắp đến.
Phải chăng đó chính là sự mâu thuẫn nhưng cũng chính là động lực lớn cho sự phát triển của bản thân.
Không có mâu thuẫn, sẽ không có giải pháp.
Không có trăn trở, sẽ không có thôi thúc.
Không có những câu hỏi, sẽ không có những câu trả lời.
Không có thách thức, sẽ không có trưởng thành.
Cho đến khi người ta không còn cảm thấy được thôi thúc, không muốn tìm ra hướng đi cho cuộc đời mình, không có những câu hỏi cần được trả lời và thôi không cần trưởng thành nữa, phải chăng khi đó cuộc sống cũng đã kết thúc ý nghĩa của nó.
Đi qua tuổi 30, ta là ai trong cuộc đời này?
Credit:
Bài viết của Duy Tran: https://www.facebook.com/jonathannguyen149
https://bit.ly/3blWPMc
Comments