top of page
Writer's pictureiamhere

ĐỌC DỊ BẢN, THẤY BAO DUNG VỚI NỖI MẤT MÁT VÀ TÌM LẠI Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG

Tôi tìm đọc “Dị Bản” khi vừa đọc xong cuốn “Trở Về Một Đứa Trẻ” của tác giả - anh Nguyễn Đinh Khoa. Tản văn “Trở Về Một Đứa Trẻ” cho thấy ở anh một tâm hồn đẹp trước những đổi thay trong cuộc sống - những niềm vui nho nhỏ cho đến những nỗi đau lớn, từ những câu chuyện gia đình gần gũi cho đến những vết thương trong tình yêu mà ai trong đời chắc cũng sẽ phải trải qua đôi lần. Tôi gọi là một tâm hồn đẹp vì qua những câu chuyện đó, tôi nhìn thấy và cảm nhận được những xúc cảm ở nhiều cung bậc của anh đối với từng sự kiện, nhưng sau tất cả, anh vẫn giữ được trong mình một nội lực mạnh mẽ để đi qua những giông bão, một sự bao dung với những người đã làm tổn thương mình và cả sự bao dung với chính những sai lầm của bản thân, quan trọng hơn cả là một tình yêu vào cuộc sống - rằng cuộc sống sẽ vẫn tiếp diễn và tất cả những điều đã qua đều là những bài học cho hành trình cuộc đời của mình.


Tác phẩm "Trở Về Một Đứa Trẻ"


Nói như vậy để thấy rằng, khi tìm đọc “Dị Bản”, đọc qua vài chia sẻ tóm tắt, trong tâm trí tôi đã phần nào hình dung ra phong cách viết và kể chuyện của anh Nguyễn Đinh Khoa.


Và tôi đã sai…Tôi nhận ra mình sai khi đọc xong mục hai mục đầu tiên. Với tôi, Đinh Khoa trong tản văn và Đinh Khoa trong truyện dài là hai con người rất khác. Nếu như Khoa trong “Trở Về Một Đứa Trẻ” thật tình cảm, nhẹ nhàng, có những suy tư nhưng cũng chan hòa tình yêu cuộc sống, thì trong “Dị Bản", Khoa trở nên “lạnh lùng hơn”, “ảm đạm hơn” và “đánh đố” người đọc thông qua diễn biến tâm lý của các nhân vật trong từng sự kiện, cùng với nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình”, đặt để những nhân vật vào những không gian khác nhau, từ rộng lớn đến chật hẹp để sự cô đơn và cả những nỗi đau chôn giấu có cơ hội được vùng vẫy. Đây có thể được xem là một thế mạnh nổi trội của tác giả.


“Tôi đứng trên nhịp cầu rất cao, một tay bấu vào lan can thép. Khép mắt lại, tôi hít một hơi thật sâu. Gió thoảng qua mùi hăng hắc của những đoạn thép gỉ sét quyện vào mùi nước sông ngai ngái…Bờ bên kia là những căn nhà cơi nới trên đám cừ tràm ngổn ngang cắm xuống lòng sông, đôi chỗ nước cạn còn trơ ra đám lục bình phập phễu sát mép nước, mấy chiếc ghe tròng trành còn trơ thân gỗ đã mục xác xơ…Người bỏ xứ này mà đi không ít…Xứ này không nghèo, chỉ có điều người ta không chịu được cái vòng quẩn quanh chốn sông nước.”


Hay như

“Giữa buổi chiều ánh mặt trời có màu vàng sáp rọi xuyên qua cánh cửa sắt khép hờ…Tôi đứng xoay lưng về hướng nắng…Dường như tôi đã đi qua hàng chục năm ánh sáng để trở về nhìn thấy má, một chân gác lên võng, chân kia chạm đất. Vết nắng rọi xuyên qua lòng bàn chân đã nhuộm màu nâu đất."


Tác phẩm "Dị Bản"


Trong từng câu chữ, từng khung cảnh, người đọc sẽ cảm nhận nỗi đau và sự mất mát ngày càng nhấn chìm Giang - nhân vật chính của “Dị Bản”, khiến Giang dần mất đi niềm tin vào cuộc sống từ sau sự ra đi bất ngờ của Lam - em gái mình.


“Bất giác sống mũi tôi cay cay, cảm thấy mình như một kẻ lưu lạc đi qua những miền quá khứ bất an và cô độc…Có cơn sống ngầm chảy trong tim của mình, cho đến sau này khi nhận ra đó là lần cuối cùng, tôi biết mình đã bỏ lỡ dịp để hỏi má về cái tên đó.”


“Những điều ngọt ngào như thế sẽ không bao giờ trở lại. Như một thân cây bị cưa ngang, rồi từ đó đâm lên những chồi non vẫn vươn về phía mặt trời. Tâm hồn tôi cũng giống như một thân cây như thế, trơ trọi, bị đứt gãy mà vẫn cố tìm về quãng tuổi thơ đó, dù ngắn ngủi nhưng vẫn mong tìm được nhựa sống.


Ai cũng nghĩ rằng cuộc đời của mỗi người thuộc về chính họ, nhưng tôi nghĩ nó lại thuộc về một ai đó. Khi người đó ra đi thì chính họ cũng mất đi cuộc đời của mình. Và như thế, họ chết dần trong một ai đó khác.”


Từng số phận kết nối với Giang đều khiến sự mất mát thêm chồng chất. Đó là Du - một người phụ nữ đặc biệt khiến anh chơi vơi trong một mối quan hệ “yêu nhưng không phải là yêu”. Đó là sự ra đi của ba Giang - người đàn ông thứ hai bị nỗi đau & sự mất mát nhấn chìm.


Và trong một thế giới thực tại - nơi mà số phận của các nhân vật đan xen nhau và dần chìm vào bóng tối, chỉ có Lam và mẹ của Giang là hai trường hợp ngoại lệ. Đây có lẽ là hai nhân vật thú vị nhất với góc nhìn của tôi trong tác phẩm.


Lam trong “Dị Bản” ra đi khi còn là một đứa trẻ. Sự ra đi của Lam để lại những thử thách cho những người còn sống trong việc đi tìm ý nghĩa cho sự tồn tại của mình. Nhưng với Lam, dù cho cuộc đời ngắn ngủi nhưng em đã sống những tháng ngày trọn vẹn, đầy bao dung với cuộc đời.


“Mình không nên nhốt những linh hồn lại phải không anh?”. Lam nói rằng mỗi con đom đóm đều cưu mang linh hồn của ai đó. Con bé đã tin rằng đom đóm là sự tái sinh của những ngôi sao xa xôi mà chúng ta không thể nào với tới được. "Chúng sẽ chết một lần nữa phải không anh?” Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu trong tâm trí non nớt khi đó, con bé đã nghĩ điều gì khi chợt hỏi tôi câu đó.”


“Hai có nghe ra tiếng mưa ngoài sân không?...Nước mưa rơi xuống mặt sông nghe rất nhẹ nhàng, vì nước trở về với nước. Nước từ trời trở về với nước của đất, như hai cõi nhập lại làm một, như kẻ xa nhà trở về được ôm áp vào lòng.”


“Giữa lòng bàn tay nhỏ của Lam, con chim trút hơi thở sau cùng. Con bé đào hố đất nhỏ rồi chôn con chim.


Những điều ngọt ngào như thế sẽ không bao giờ trở lại. Như một thân cây bị cưa ngang, rồi từ đó đâm lên những chồi non vẫn vươn về phía mặt trời.”


Qua ngòi bút của Đinh Khoa, Lam như một thiên sứ ghé tạm cõi đời, mang trong mình “một tâm hồn trong trẻo nhưng đầy chiêm nghiệm đủ để nhìn ra ý nghĩa của cuộc sống, một trái tim bao dung với những điều bất như ý trong cuộc đời và để lại những bài học quý giá cho những người còn đang tồn tại những dần đánh mất niềm tin vào cuộc sống.”


“Lam như thể đến từ một tinh cầu cách xa hàng trăm năm ánh sáng, không thể nắm bắt được, chỉ có thể cảm nhận từ bầu không khí tỏa ra xung quanh con bé mà thôi.”


Nếu Lam xuất hiện và ra đi như một thiên sứ, để lại cho những người ở lại những bài học từ nỗi đau của sự mất mát, thì mẹ của Giang chính là người phụ nữ kiên cường đi qua cơn bão đó và đã tìm lại cho mình sự bình yên sau hai nỗi đau quá lớn. Trong mỗi sự mất mát, tôi cảm nhận được nỗi đau không nói nên lời của bà. Không nhiều những giọt nước mắt, không nhiều những khoảnh khắc đau đớn được bộc lộ  mạnh mẽ, những nỗi đau đó được bà nén lại để trở thành một chỗ dựa tinh thần và cả là nơi trút vào sự giận dữ của người chồng, sự mất phương hướng của Giang - người con trai còn lại của bà. Trong tận cùng của nỗi đau, bà chọn cách mình phải mạnh mẽ hơn bao giờ hết, dù bên trong phải học cách đối diện với sự mất mát không gì có thể bù đắp được.


“Má tôi đã đốt cây đàn sau đó…Gió thổi tro của nó xuống khúc sông sau nhà, có lẽ trôi về miền của ba tôi. Má không nhỏ giọt nước mắt nào trong đám tang của ông nhưng đã khóc khi đứng nhìn cây đàn cháy rụi cho đến mẩu cuối cùng.”

Những giọt nước mắt này hẳn đã chất chứa tất cả những dồn nén bấy lâu, nhưng cũng khiến cho tâm hồn của bà được thanh tẩy, để bà thấy bình yên mà bước tiếp trên đường đời.


“Dù sao đi nữa thì má có vẻ hạnh phúc hơn khi ở bên cạnh dượng. Điều đó nghe ra trong giọng nói má khi nhắc đến ông. Má nói ông thương má, và chiều chuộng má. Má xem đó như là phần an ủi sau cùng cho những ngày tháng không còn nhiều nhặn của đời mình.”


Cuối cùng thì, chỉ có bà là người hiểu được ý nghĩa của cuộc sống. Người phụ nữ duy nhất đã đi qua cơn bão, tìm thấy bình yên trên chiếc võng đong đưa một buổi chiều và nhắc đến Lam nhẹ nhàng trong câu thoại "Má nằm mơ thấy con Lam về!".


Nếu trong thế giới thực tại, Giang, ba Giang, mẹ Giang, Lam, Du - những số phận đan xen, giầy xéo lẫn nhau, thách thức niềm tin vào cuộc sống của mỗi người. Thì ở một thế giới tương lai khác cũng có một cuộc tranh đấu khác khiến "Dị Bản" trở nên thật sự thú vị.


Đó chính là cuộc đối đầu của Frank - một thiên tài đã mất hoàn toàn niềm tin vào con người, xây dựng một đế chế robot sẵn sàng cho cuộc cách mạng "thanh tẩy loài người, cứu lấy trái đất và xây dựng một thế giới mới" theo những "tiêu chuẩn đạo đức mới" của Frank, và Lucy - một sản phẩm siêu trí tuệ nhân tạo mà Frank tạo ra như một trợ lý đắc lực của mình.


Dù là người phục vụ Frank, thực hiện những yêu cầu và mệnh lệnh của Frank đưa ra, nhưng Lucy là người thường xuyên đặt Frank "vào thế khó" bằng những câu hỏi đầy sắc xảo, thú vị về ý nghĩa của sự tồn tại và "sống". Đây cũng chính là một điểm sáng của tác giả trong việc đưa tạo ra những cuộc đối thoại "nặng đô" khiến người đọc vừa bị cuốn theo, đồng thời phải suy nghĩ về câu trả lời của riêng mình.


Lucy hỏi Frank "Điều gì khiến anh được xem như con người?”

“Ừ thì…con người là sinh vật thông minh nhất. Và vì thế con người nghiên cứu trí thông minh của các loài khác.”

“Và thậm chí tạo ra một trí thông minh mới?”


Hay…


“Thật khó mà tưởng tượng được con người các anh, và cả hệ quả từ đó mà ra. Con người đến một lúc nào đó cũng không khác gì rô-bốt đâu phải không?”

“Nhân tính ở đây là sao?!”

“Vậy có nghĩa là tùy thuộc vào nhận thức của con người mà cuộc sống mang một ý nghĩa nào đó?”.

“Vậy từ đâu mà cái ác sinh ra?”

“Có vẻ như đó là cách để con người biện hộ cho việc họ trở thành người xấu?”.


Những câu hỏi đầy “thách thức” này của Lucy khiến một cái đầu siêu trí tuệ của Frank trở nên lúng túng trong việc đưa ra câu trả lời thuyết phục. Càng về sau, những đoạn đối thoại giữa Lucy và Frank trở nên càng thú vị - Lucy ngày càng trở nên con người hơn - điều mà cô ao ước và Frank ngày càng trở nên rô bốt hơn - điều mà anh bị ám ảnh mỗi ngày. Một sự hoán đổi vị trí có chủ ý, phần nào đó thể hiện rõ những vấn đề đáng trăn trở của xã hội đương đại, khi mà sự bành trướng của các nền tảng mạng xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của AI đã dần cho thấy sự đứt gãy trong việc kết nối với cuộc sống thực tế và giữa người và người với nhau.


Việc xây dựng bối cảnh giữa hai thế giới với các tuyến nhân vật đan xe lẫn nhau, cách các nhân vật đối diện với nỗi đau, sự mất mát và cả những tham vọng bên trong mỗi người đã khiến “Dị Bản” trở thành một tác phẩm văn học hiện đại hơi “thử thách” người đọc trong việc kết nối các nhân vật, các chiều không gian và cả các tình tiết dẫn dắt tâm lý và hành vi của từng người. Tuy nhiên, nếu ai thật sự yêu thích thể loại tiểu thuyết viễn tưởng xã hội từ văn học cho đến điện ảnh có thể sẽ đặc biệt yêu thích “Dị Bản”. Tác giả Nguyễn Đinh Khoa đã cho thấy sự can đảm và kiên định của mình khi đi theo thể loại văn học không mới với thế giới nhưng còn khá mới mẻ trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Với tôi đó đây là một sự lựa chọn “bản lĩnh” và “điềm tĩnh” của Đinh Khoa vì nó khá phù hợp với sở trường của anh - giọng văn có một chút lạnh lùng, không thể hiện “sự đánh giá’ lên  các nhân vật, cách “tả cảnh ngụ tình”,  cách nhìn nhận cuộc sống đa chiều, cách đặt vấn đề khiến người đọc phải nghĩ, chiêm nghiệm và chợt giật mình nhận ra những sự tác động của xã hội hiện đại lên tâm tính của con người từ vô thức đến có nhận thức. Và điều này, với tôi là cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của xã hội, đặc biệt là đối với các bạn đọc trẻ.


Cá nhân tôi sau khi đọc xong “Dị Bản” vẫn có một chút tiếc nuối vì mong muốn đào sâu hơn tâm lý của Frank, những cuộc đối thoại lên đến đỉnh điểm giữa Frank và Lucy, hay cuộc đối đầu cuối cùng của Giang - Frank - Lucy sẽ dẫn mọi thứ đến đâu? Ai là người chiến thắng? Ai là người đúng, ai là người sai? Ai sẽ là “con người” nhất?


Tất cả những câu hỏi đó vẫn đang được bỏ ngõ. Và biết đâu sẽ được lật mở trong “Dị Bản 2"!


Tác giả Nguyễn Đinh Khoa cùng tác phẩm "Dị Bản"


Một vài phiên bản thiết kế bìa của “Dị Bản” trước bản thiết kế chính thức được in.


Phiên bản đầu tiên



Phiên bản thứ hai



Phiên bản thứ ba và cũng là phiên bản mình thích nhất


Tìm mua “Dị Bản” tại cửa hàng sách của NXB Trẻ, hệ thống Fahasa hoặc trang Tiki tại:



  • Ghi chú:

1. Bài viết của Duy Tran: https://www.facebook.com/jonathannguyen149


2. Hình ảnh được cung cấp



166 views0 comments

Related Posts

See All

Commentaires


bottom of page